Rất nhiều tàu giã cào “cao tốc” ra đời để rồi giờ đây hàng trăm chiếc đang lay lắt nằm bờ trong khi chủ tàu nợ ngân hàng chồng chất…
Hai tay thoăn thoắt đan phên tre, chị Phạm Thị Chanh (46 tuổi), nhà sát cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, TP.Quảng Ngãi, vẫn không quên "kể tội" các chủ tàu giã cào (còn gọi là cào bay) bỏ tàu đi biền biệt mấy năm nay. Nhìn theo hướng tay chỉ giữa buổi trưa nắng gắt, chị Chanh nói hễ tàu nào có neo, sàn, dây cáp bị hoen gỉ thì đó là tàu giã cào dầm mưa dãi nắng do nằm bờ quá lâu.
|
"Trước mặt tôi có đôi tàu neo sát nhau hơn 2 năm rồi không có chủ. Chỗ cầu tàu số 1 có 2 cái tàu to bự nghe nói liên lạc không được với chủ tàu. Hàng chục tàu cá giã cào kiểu này, kể không hết được, hầu hết là tàu của dân xã Nghĩa An", chị Chanh khoát tay chỉ một vòng bao quát hết cảng.
Tiền trả công trông tàu cũng không có
Cảng neo đậu Tịnh Hòa có chừng 5 - 7 nhóm trông coi tàu thuyền, mỗi nhóm từ 5 - 7 người, trông coi 20 - 30 chiếc tàu. Hỏi ra thì 2 - 3 năm nay, nhóm nào cũng phải giữ tàu cá không công. Có chủ tàu liên lạc được nhưng không cho gặp mặt, vì gặp là sợ đòi tiền. Còn hàng loạt tàu không liên lạc được với chủ, các nhóm giữ tàu "méo mặt", vì vừa không có tiền, vừa vẫn phải làm vệ sinh, bảo vệ tàu.
|
Ông Phạm Ngọc Anh (70 tuổi) ở thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa, cho biết ông trông coi 3 tàu (1,5 triệu đồng/tháng/tàu) thì có một tàu 3 năm nay chủ tàu bặt vô âm tín. 3 năm nay, ngoài trông coi, ông Anh bỏ ra 10 triệu đồng để hút nước làm sạch khoang tàu, trả tiền điện nước, mua bạt che, chống tàu hư hỏng… Khổ nhất là mùa mưa, tàu bị ngấm nước, phải tát múc thường xuyên, nếu không sẽ chìm. Cứ như vậy, ông Anh và hàng chục người trông coi tàu ở đây hy vọng một ngày nào đó các chủ tàu quay về, tính cho sòng phẳng cả vốn lẫn lời.
Hỏi chuyện tàu nằm bờ, ông Bùi Văn Khôi, Trưởng ban Quản lý cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, vò đầu: "Nói thiệt là không đếm đủ tàu giã cào cao tốc của ngư dân Nghĩa An tại đây, mỗi chiếc có công suất từ 700 CV trở lên. Không biết họ đi đâu về đâu, lại không về nhận tàu mà cảng thì mỗi ngày một chật". Rồi ông Khôi nói đang dự định mời các nhóm nhận trông coi tàu đến làm việc để xác định của những chủ tàu nào.
Thấy tôi đi một vòng ở cảng neo trú tàu thuyền xã Tịnh Hòa để quan sát, hỏi về tàu giã cào cao tốc, nhiều người dân ở đây tò mò: “Anh là cán bộ ngân hàng đi định giá tàu phát mại à?”.
Vì đâu nên nỗi ?
Muốn chuyển nghề nhưng không có vốnTheo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nhiều chủ tàu giã cào ở Nghĩa An mong muốn được chuyển nghề. Có điều, chuyển từ nghề giã cào sang nghề khác thì phải xin giấy phép mới; mất ít nhất từ
200 - 300 triệu đồng để mua sắm ngư lưới cụ. “Bây giờ các chủ tàu lo ăn từng bữa, kẻ bắc, người nam kiếm sống, biết lấy đâu ra tiền để chuyển nghề?”, ông Phong nói buồn…
|
Nghề giã cào (hay lưới kéo) là nghề biển lâu đời của ngư dân Nghĩa An. Khoảng 10 năm trước, đoàn "cào bay" ra khơi luôn trúng đậm. Thế là ngư dân của bán đảo này rầm rộ rủ nhau đóng thêm tàu mới, công suất lớn ra khơi, gọi là giã cào cao tốc, thậm chí có nhiều hộ đóng đến 2 - 3 đôi tàu. Đến khoảng năm 2014 - 2015, tàu giã cào bay ở đây càng quy mô hơn, công suất thấp nhất là 400 - 500 CV, còn lại 700 - 1.000 CV/tàu, trong đó tàu sắt lớn nhất trị giá đến 20 tỉ đồng, loại tàu gỗ là 5 - 6 tỉ đồng/tàu. Những năm này, tàu ra khơi kiếm mấy tỉ đồng/chuyến biển không còn là hiếm nữa.
Theo ông Sinh, không phải ai cũng đủ tiền để sắm tàu lớn, mà cầm cố nhà, chạy vạy mượn tiền, vay tiền ngân hàng để đóng tàu. Khi đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cử cán bộ tín dụng về xã này làm thủ tục cho ngư dân vay vốn. "Nói thật, lúc đó làm ăn được nên ngư dân trên địa bàn xã trả cho ngân hàng đầy đủ", ông Sinh cho biết.
Đến năm 2017, nghề biển ở xã Nghĩa An khó dần. Những chuyến ra khơi trở về buồn tênh, vì không có cá, ai may mắn thì đủ chi phí ra khơi, phần lớn chủ tàu lỗ méo mặt. Khi chủ tàu không có tiền cho "bạn" (lao động trên tàu) mượn hoặc ứng trước, họ bỏ đi tìm tàu khác. "Muốn kéo bạn về tàu mình, phải cho họ mượn mấy mươi triệu đồng/người; mỗi ngày trả 500.000 - 600.000 đồng/bạn. Đi một chuyến biển về, chủ tàu thì lỗ mà bạn đi tàu thì không đi chuyến thứ hai nữa. Mỗi chuyến ra biển, các chủ tàu lỗ 500 - 600 triệu đồng", ông Trương Hoài Phong (66 tuổi), một chủ tàu than thở.
Nếu trước đây, những chủ tàu như ông Phong bạn tàu đến xin đi biển nườm nượp; thì nay thời thế thay đổi, các chủ tàu muốn ra khơi phải đi năn nỉ bạn tàu để gỡ gạc, mưu sinh qua ngày. Tàu công suất 400 - 500 CV, mỗi chuyến biển mất trên dưới 5.000 lít dầu; còn tàu từ 1.000 CV trở xuống, mất cả tỉ đồng tiền nhiên liệu, chưa kể lương thực, thực phẩm khác. Trong khi đó, nguồn lợi trên biển ít dần, ngư trường hạn hẹp, thêm quy định vùng đánh bắt đối với tàu giã cào… nên nhiều ngư dân đành chấp nhận neo tàu tại cảng…
Cũng theo ông Phong, thời tàu giã cào bùng nổ các ngân hàng cho vay hầu như không thông qua chính quyển để xác minh thực lực của các chủ hộ vay. Theo yêu cầu, các chủ hộ vay phải đảm bảo vốn 50% tàu đóng mới thì vay được tiền, nhưng có người cầm mấy trăm triệu trong tay cũng vay được mấy tỉ đồng đóng tàu. Các chủ tàu này thường thiếu kinh nghiệm đi biển nên khi nghề biển thất bát, họ bỏ tàu nằm bờ.
Ông Đỗ Hồng Minh, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa An, xác nhận khi cho vay, các ngân hàng làm việc trực tiếp với ngư dân, không có xác minh tại xã nên hiện tại không biết ngư dân trong xã nợ các ngân hàng bao nhiều tiền. Chỉ thấy rất nhiều ngân hàng những tháng qua liên tục cử người về đây làm việc với cán bộ xã và người dân. Ông Minh cho biết thêm, qua các cuộc họp, mới chỉ biết được một chi nhánh ngân hàng ở Quảng Ngãi đã cho 155 khách hàng là ngư dân xã Nghĩa An vay 342,6 tỉ đồng.
Bình luận (0)