Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 453 USD/tấn, tiếp tục giảm thêm 5 USD so với tuần trước và giảm đến 20 USD so với mức giá đỉnh hồi đầu tháng 2.2023.
Không chỉ Việt Nam, giá gạo Thái Lan cũng giảm mạnh về mức 455 USD/tấn (các doanh nghiệp Thái chào giá đến 523 USD/tấn hồi đầu tháng 2.2023). Tương tự, gạo của Pakistan cũng giảm 15 USD so với đầu tháng 2 xuống còn 468 USD/tấn. Gạo Ấn Độ ổn định ở mức 440 USD/tấn.
Theo các doanh nghiệp, giá gạo thời điểm cuối tháng 1 đầu tháng 2 tăng cao do nguồn cung khan hiếm. Hiện tại, Việt Nam và một số nước bước vào vụ thu hoạch nên thị trường có điều chỉnh giá. Trong trung và dài hạn, thị trường lúa gạo vẫn khả quan vì nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc, Philippines, Malaysia và châu Phi vẫn cao.
Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho biết, chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 1.2023 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước. Trong đó, giá lúa mì giảm 2,5% do sản lượng tại Úc và Nga vượt dự kiến. Ngược lại, giá gạo tăng 6,2% chủ yếu do nhu cầu trong nước tăng mạnh tại một số quốc gia châu Á. Dự báo về sản lượng gạo toàn cầu giảm 2,6% do sản lượng thấp hơn dự kiến từ Trung Quốc.
Một diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường gạo thế giới tuần qua, Reuters dẫn nguồn tin từ quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này không có ý định gỡ bỏ các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo. Nguyên nhân là để ổn định giá gạo ở thị trường nội địa và chính sách hạn chế xuất khẩu gạo được ban hành hồi tháng 9.2022 không ảnh hưởng đến sản lượng và tốc độ gạo xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ năm 2022 đạt con số kỷ lục 22,26 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm trước. Con số này nhiều hơn tổng xuất khẩu của bốn nhà xuất khẩu lớn tiếp theo: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ.
Tháng 9.2022, trong bối cảnh lo ngại về sản lượng lương thực giảm do các hiện tượng thời tiết cực đoan và giá lương thực tăng cao, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm ra nước ngoài và áp thuế 20% đối với các loại khác trừ gạo Basmati.
Bình luận (0)