Gắp dị vật răng gãy rơi vào phổi gây biến chứng, nguy cơ tử vong

An Dy
An Dy
30/09/2021 18:13 GMT+7

Ngày 30.9, đại diện Bệnh viện Đà Nẵng cho biết vừa tiến hành phẫu thuật gắp thành công chiếc răng gãy ra khỏi phổi cho một bệnh nhân trong tình trạng di chứng đa chấn thương sau tai nạn giao thông.

Bệnh nhân (BN) là bà V.T.B (65 tuổi, H.Hiệp Đức, Quảng Nam), được chuyển viện cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Đà Nẵng trong tình trạng lơ mơ, sốt, không tiếp xúc được phải khai khí quản để thở và tràn dịch màng phổi trái.
Trước đó, BN bị tai nạn giao thông (16.8), được BV Tam Kỳ (Quảng Nam) phẫu thuật máu tụ nội sọ, khai khí quản. Sau mổ, BN vẫn sốt, ho liên tục, tăng tiết dịch, nên được chụp phim phổi và chụp cắt lớp lồng ngực phát hiện dị vật trong phổi trái nghi là một chiếc răng gãy rơi vào.
Do tình trạng BN quá nặng, xác định không thể can thiệp lấy răng ra ngoài, nên BN được chuyển viện từ Quảng Nam ra BV Đà Nẵng để tiếp tục xử lý, điều trị.
Tại BV Đà Nẵng, các bác sĩ hội chẩn đánh giá nếu không kịp can thiệp sẽ gây viêm, áp xe phổi, viêm màng phổi, nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng BN. Đặc biệt BN vẫn đang trong tình trạng đa chấn thương nặng kèm di chứng sọ não.

Biến chứng xẹp, viêm thùy phổi do dị vật

Do răng gãy chui sâu vào phế quản nhỏ, lâu ngày gây viêm nên dù các bác sĩ chuyên khoa nội hô hấp nỗ lực hơn 2 giờ đồng hồ vẫn không thể lấy dị vật ra mà không gây tổn thương đến BN.
Khi xác định không thể nội soi lấy dị vật, BV Đà Nẵng đã quyết định phẫu thuật hở gắp dị vật trong phổi cứu BN.
BS CK2 Thân Trọng Vũ (Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực, BV Đà Nẵng), cho biết cuộc phẫu thuật gặp khó khăn do BN đã khai khí quản nên việc gây mê xẹp một bên phổi để phục vụ phẫu thuật không thể tiến hành được. “Tuy nhiên các bác sĩ cũng đã nỗ lực bằng nhiều cách tiến hành phẫu thuật, vượt qua cản ngại trong việc mở phế quản và đã lấy thành công chiếc răng mà không xảy ra biến chứng gì”, BS Vũ nói.
Theo BS Vũ, hiện tại tình trạng phổi của BN đã ổn định. BN đã dứt sốt, dứt tăng tiết dịch, không còn nguy cơ tổn thương phổi. BN cần thời gian để cải thiện do di chứng sọ não và tập phục hồi chức năng.
Trao đổi về cuộc phẫu thuật hy hữu, BS Vũ cho biết răng gãy bị rơi vào trong phổi gây tổn thương phổi thường ít gặp trong thực hành lâm sàng. Vì tính hiếm gặp đó nên có nguy cơ bỏ sót chẩn đoán. Trong khi đó, dị vật nếu không được chẩn đoán và lấy ra sớm sẽ gây xẹp phổi, viêm phổi tái phát, áp xe phổi và nhiều biến chứng khác đe dọa tính mạng BN.
Việc nội soi phế quản bằng ống mềm hoặc cứng là phương pháp lựa chọn hàng đầu trong việc lấy dị vật trong phế quản, tuy nhiên, đối với dị vật đường thở do răng gãy rơi vào đa số gặp khó khăn nếu lấy dị vật bằng nội soi mà phải chuyển sang phẫu thuật.
Với trường hợp BN B. dị vật do răng di chuyển sâu vào phế quản nhỏ, biến chứng xẹp, gây viêm mủ thùy phổi, nên phải chuyển sang phẫu thuật mở lồng ngực. “Cuộc phẫu thuật thành công nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa ê kíp phẫu thuật ngoại lồng ngực cùng ê kíp gây mê hồi sức. Đây thực sự là một ca phẫu thuật thử thách đối các bác sĩ để giành lại điều kiện sống tốt hơn cho BN của mình”, BS Vũ chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.