Gấp rút gỡ khó về cát san lấp, đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm

Bắc Bình
Bắc Bình
24/06/2024 21:11 GMT+7

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi có tới 16/21 dự án giao thông trọng điểm quốc gia phía nam đang gặp khó vì thiếu cát san lấp.

Phải gấp rút hơn để đảm bảo tiến độ

Chiều ngày 24.6, tại UBND tỉnh Bến Tre, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, các tỉnh, thành phía nam để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án giao thông trọng điểm quốc gia tại phía nam, đặc biệt là cát san lấp.

Cụ thể gồm: Dự án Vành đai 3 TP.HCM, các dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cần Thơ - Cà Mau; đường HCM đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận... Đây là lần thứ 4 lãnh đạo Chính phủ trực tiếp làm việc để xử lý các vướng mắc, khó khăn của các dự án này.

Gấp rút gỡ khó về cát san lấp, đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp

B.B

Báo cáo với Phó thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết 16/21 dự án trọng điểm quốc gia tại khu vực phía nam hiện đang thiếu khoảng 65 triệu m3 trong khi nguồn cát tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng… vẫn khá dồi dào. Tuy nhiên các tỉnh đều đang vướng mắc nhiều về thủ tục pháp lý dẫn đến phần lớn các mỏ cát chưa khai thác để cấp cho các dự án. Trong đó, năm 2024, các tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đã cam kết cấp 6 triệu m3, Tiền Giang là 3 triệu m3 cho dự án Vành đai 3 TP.HCM nhưng đến nay chưa tỉnh nào cấp được. 

Gấp rút gỡ khó về cát san lấp, đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm- Ảnh 2.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát khu vực mỏ cát trên sông Tiền thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre

B.B

Ông Phạm Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết trữ lượng cát của tỉnh hiện có khoảng 45 triệu m3 nhưng cũng chưa thể cấp quyền khai thác. Theo ông Trọng, sau khi nhận đề xuất từ Bộ GTVT cấp 6,3 triệu m3 cho một số dự án giao thông trọng điểm, Tiền Giang đã xác định có thể khai thác 17/31 mỏ và cho các nhà thầu Dự án Vành đai 3 lựa chọn.  "Để rõ ràng về thủ tục pháp lý, UBND tỉnh Tiền Giang đã có kế hoạch khai thác cho đúng quy định. Và trong vòng 3 tháng tới, Tiền Giang sẽ bắt đầu khai thác cấp cho dự án Vành đai 3 TP.HCM", ông Trọng nói.

Gấp rút gỡ khó về cát san lấp, đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm- Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo về tiến độ cấp phép khai thác cát sông

B.B

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, thời gian 3 tháng là không cần thiết, Tiền Giang phải gấp rút hơn để đảm bảo tiến độ thi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

"Tôi nói luôn, nếu dự án Vành đai 3 chậm tiến độ mà do Tiền Giang chậm cung cấp cát lấp thì lãnh đạo tỉnh Tiền Giang phải chịu trách nhiệm", Phó thủ tướng nói.

Nhiều nhà thầu mua cát Campuchia

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện dự án Vành đai 3 TP.HCM đang thiếu hơn 9 triệu m3 cát lấp. 2 tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang đã thống nhất cấp cho TP.HCM tổng cộng là 3 triệu m3 tính đến cuối năm 2024. Riêng Bến Tre thì cuối năm 2024 sẽ bắt đầu cung cấp. Trước khó khăn do thiếu cát lấp, nhiều nhà thầu đã phải mua cát từ Campuchia với lượng ổn định. Để dự án Vành đai TP.HCM đạt tiến độ, TP.HCM ủng hộ phương án này, mặc dù có thể sẽ phải chi bù chênh lệch giá, nhưng xét về lâu dài có thể hạn chế khai thác tài nguyên cát trong nước. 

Gấp rút gỡ khó về cát san lấp, đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm- Ảnh 4.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM ủng hộ việc mua cát lấp từ Campuchia để bù vào lượng cát lấp đang thiếu hụt theo tiến độ dự án Vành đai 3 TP.HCM

B.B

Cũng tại cuộc họp, ông Âu Nguyễn Đình Thảo, Phó giám đốc Công ty nhiệt điện Duyên Hải (Tổng công ty Phát điện 1), báo cáo với Phó thủ tướng về việc, có khoảng 3,9 triệu tấn tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (tại Trà Vinh) đang gặp khó trong tiêu thụ. Mặc dù hàng năm, tro xỉ của các nhà máy thuộc công ty đều được Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) lấy mẫu thử nghiệm, cấp chứng nhận đủ điều kiện làm vật liệu san lấp; hợp quy tro bay dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng.

Nguyên nhân là với công trình xây dựng khó thực hiện theo yêu cầu của quy định chỉ dẫn kỹ thuật về việc sử dụng tro xỉ vào san lấp. Cụ thể là phải thực hiện thêm quan trắc giám sát môi trường (chất lượng nước, phóng xạ) trước, trong và sau khi san lấp, công trình san lấp phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật để hạn chế rò rỉ nước từ khối san lấp... Từ đó dẫn đến khó cạnh tranh so với các vật liệu san lấp khác. Công ty nhiệt điện Duyên Hải cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư tháo gỡ khó khăn để tro xỉ có thể cung cấp cho các dự án giao thông như một phương án thay thế cát lấp.

Gấp rút gỡ khó về cát san lấp, đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm- Ảnh 5.

Quang cảnh cuộc họp

B.B

Cát biển đã sẵn sàng

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho hay tỉnh thành lập 2 hội đồng khai thác và thẩm định khai thác cát biển để cung cấp cho các dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Hiện, Sóc Trăng đang chờ thủ tục cuối cùng từ Bộ TN-MT trước khi cung cấp. "Cơ bản tỉnh Sóc Trăng đã sẵn sàng cung cấp cát biển và cả cát sông cho các tỉnh, thành có nhu cầu sử dụng, ai có nhu cầu thì nên đăng ký với tỉnh sớm, chúng tôi đang có trữ lượng rất lớn", ông Lâu nói.

Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu trong thời gian tới, các ban, bộ, ngành T.Ư đến địa phương sẽ linh hoạt, linh động để xử lý các vướng mắc như tình trạng thiếu cát và không làm tăng tổng mức đầu tư. Đồng thời yêu cầu các địa phương Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long… phải khẩn trương giải quyết các vướng mắc hiện nay trong quá trình cấp phép, nâng công suất khai thác các mỏ cát trên địa bàn. Trong công tác này, cần có sự thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền và nếu có vướng mắc thì trình lên T.Ư xử lý ngay. Ngoài ra, Bộ GTVT phải phối hợp với Bộ Xây dựng có văn bản chính thức về việc áp dụng các vật liệu san lấp nền đường là cát biển, tro xỉ… thay thế cát sông.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.