Gặp chánh án phiên tòa Biển Đông

14/07/2016 06:00 GMT+7

Chánh án phiên tòa Biển Đông đã 84 tuổi, đến từ một đất nước rất xa xôi, xa cả với Philippines, với Trung Quốc, với tất cả các nước có tranh chấp hay từng đưa tàu chiến tới Biển Đông. Ông người Ghana, tên Thomas Mensah.

Điều đưa ông Mensah đến vị trí chánh án của Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong phiên tòa Biển Đông chưa từng có tiền lệ là sự cống hiến cả cuộc đời mà người đàn ông 84 tuổi này đã dành để nghiên cứu sâu rộng về luật biển, về những điều các nước được phép làm và không được phép làm.
Ông Mensah bắt đầu con đường học vấn ở quê hương Ghana, sau đó là Đại học London (Anh) rồi tới Đại học Yale danh tiếng ở Mỹ.
Suốt nhiều thập niên, ông nghiên cứu tỉ mỉ luật biển quốc tế, đăng tải nhiều công trình trên báo chí và trở thành thẩm phán. Ông từng được bầu làm chủ tịch đầu tiên của Tòa án quốc tế về luật biển (ITLS, đặt trụ sở tại Đức).
Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã đưa ra phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp Biển Đông PCA
Cái tên Mensah cũng chẳng phải xa lạ trong giới ngoại giao. Ông từng là đại sứ đầu tiên của Ghana tại Nam Phi hồi thập niên 90 của thế kỷ trước.
Paul Reichler - luật sư trưởng người Mỹ đã biện hộ cho nguyên đơn Philippines trong phiên tòa Biển Đông kiện Trung Quốc - đã phải nghiêng mình trước sự uyên thâm của vị thẩm phán cao tuổi. Báo Sydney Morning Herald ngày 13.7 dẫn lời luật sư Reichler nhận xét rằng Mensah là một trong những chuyên gia về luật biển giỏi nhất thế giới.
"Ông ấy cũng là một con người ngay thẳng, chính trực và công bằng đến hoàn hảo", luật sư Reichler nhận xét.
Được biết ông Mensah nằm trong số 5 thẩm phán tham gia xét xử vụ kiện Biển Đông. Bốn người còn lại mang 4 quốc tịch khác nhau: Jean-Pierre Cot (người Pháp), Stanislaw Pawlak (người Ba Lan), Alfred Soons (người Hà Lan) và Rüdiger Wolfrum (người Đức).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.