Gặt lúa 'chạy' dịch

13/05/2021 10:17 GMT+7

Nông dân ở những vùng bị phong tỏa tạm thời do dịch Covid-19 đang thấp thỏm lo lúa chín ngoài đồng và tìm cách gặt “chạy” dịch.

Hai thôn Phước Lộc và Phước An, nơi có đến gần 3.000 người ở đô thị Chân Mây thuộc xã Lộc Tiến, H.Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) đang xáo trộn nhịp sống thường nhật khi biết tin có bệnh nhân dương tính với Covid-19. Ngày 4.5, nữ bệnh nhân 3268 (24 tuổi, thuộc chùm ca bệnh Thẩm mỹ viện Amida, Đà Nẵng) từ Đà Nẵng về nhà bố mẹ chồng ở thôn Phước Lộc, sau đó được xác định đã lây nhiễm và trở thành bệnh nhân Covid-19 thứ 3 tại Thừa Thiên - Huế. Ngoài cấp tập truy vết, từ chiều 9.5, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phong tỏa, cách ly tạm thời 2 thôn Phước Lộc và Phước An.
Nguồn lương thực, thực phẩm sẵn có cùng với nguồn dự cung ứng cho khu vực dân cư phong tỏa đã khiến người dân 2 thôn này tương đối yên tâm khi bị cách ly tạm thời. “Nhìn chung lương thực thực phẩm ở đây hiện chưa lo bị thiếu”, chị Thúy Linh, một cán bộ y tế “kẹt” trong vùng phong tỏa ở thôn Phước Lộc chia sẻ.

Phun hóa chất vệ sinh tiêu độc tại thôn Phước Lộc (Lộc Tiến)

Thấp thỏm lúa chín đồng

Hai thôn Phước Lộc, Phước An đều giáp QL1, nên để phong tỏa, lực lượng liên ngành đã thiết lập 6 chốt chính và lập hàng rào kiểm soát người ra vào ở những điểm giao lộ (với QL1 và giữa những đường liên thôn liên xóm, đường nội bộ khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô). Lực lượng cơ hữu gồm quân sự, công an, dân quân tự vệ, đoàn thể địa phương đang chia ca kíp trực ở các chốt 24/24. “Với người dân, mấy ngày qua thấy bà con có tinh thần trách nhiệm khá cao, tuân thủ theo hướng dẫn để đảm bảo an toàn phòng dịch, ông Nguyễn Văn Ngọc, thôn đội trưởng thôn Phước An, chia sẻ.

Quảng Trị huy động lực lượng gặt lúa giúp dân

Tại Quảng Trị, cũng do có liên quan đến 1 bệnh nhân Covid-19 nên từ 0 giờ sáng 9.5, thôn Mỹ Chánh (xã Hải Chánh) phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; các thôn còn lại của xã Hải Chánh và xã Hải Sơn (cùng H.Hải Lăng) giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Riêng tại thôn Mỹ Chánh, có 4 tổ dân cư đã thực hiện phong tỏa với 1.116 nhân khẩu. Một trong những “kế hoạch” mà chính quyền địa phương phải tính đến là “xử lý” 15 ha lúa chín của người dân từ tổ 2 đến tổ 5 chưa gặt kịp. Ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch UBND H.Hải Lăng, cho biết ngay khi nắm bắt tình hình, huyện đã chuẩn bị phương án gặt lúa cho người dân, huy động dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên sẵn sàng tham gia.
Trước đó, hồi tháng 8.2020, đoàn viên thanh niên và các đoàn thể cũng đã “xử lý” gần 50 ha lúa của 300 người dân thôn Đơn Duệ (xã Vĩnh Hòa, H.Vĩnh Linh) - khu vực bị phong tỏa vì 1 ca dương tính với Covid-19 (ảnh).
Nguyễn Phúc
Với 2 nghề chính là nông nghiệp và nấu dầu tràm truyền thống, kể từ khi bị phong tỏa, người dân trong vùng đang lo cho vụ lúa Hè thu đang kỳ thu hoạch. ở Phước Lộc, rất may là phần lớn ruộng lúa đã thu hoạch xong, nhưng Phước An thì đang chín tới, theo kế hoạch vài ngày tới sẽ gặt đồng loạt. “Năm nay lúa khá được mùa, nhưng giờ bà con chúng tôi rất lo vì nhỡ chậm gặt mà gặp mưa gió dông lốc gây đổ ngã thì lại thành mất mùa, thiếu đói”, ông Trương Quang, một nông dân ở Phước An thấp thỏm.
Trước tình cảnh này, ông Trần Văn Minh Quân, Phó chủ tịch UBND H.Phú Lộc, cho biết do thời gian phong tỏa có thể kéo dài ít nhất 14 ngày nên UBND huyện đã có kế hoạch vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch vừa đảm bảo đời sống người dân. Trong đó, tính toán cả cho chuyện… giúp dân thu hoạch lúa. Cụ thể, nếu hộ gia đình nào có nhu cầu thu hoạch lúa thì đăng ký qua UBND xã Lộc Tiến và hợp tác xã liên quan. Sau đó, xã huy động nhân lực, phương tiện thu hoạch, đóng bao cất giữ giúp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.