Gay cấn phiên tòa phúc thẩm vụ kiện quyền tác giả 'Thần đồng đất Việt'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
20/08/2019 17:50 GMT+7

Sáng 20.8, TAND TP.HCM tiếp tục phiên phúc thẩm xử vụ kiện về quyền tác giả bộ truyện Thần đồng đất Việt với phần tranh tụng căng thẳng và gay gắt giữa các bên tham gia tố tụng.

Tại  phiên tòa phúc thẩm vụ kiện tác quyền Thần đồng đất Việt, đại diện cho nguyên đơn là họa sĩ Lê Phong Linh - luật sư Trương Thị Thu Hồng khẳng định: "Việc TAND Q.1 đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm là đúng thẩm quyền, không như lập luận của phía bị đơn cho rằng: 'Mục tiêu thật sự của nguyên đơn là ngăn cản, cấm Công ty Phan Thị sử dụng Thần đồng đất Việt để sản xuất kinh doanh, nên ông Linh phải liên tục thay đổi yêu cầu khởi kiện, khiến toà án gặp khó khăn khi xác định thẩm quyền. Mặt khác, do ông Linh bằng mọi giá muốn TAND Q.1 xét xử, dù cho tòa án này không đúng thẩm quyền”. Điều này là vô căn cứ.

Tranh luận nảy lửa trong phiên toà tranh chấp tác quyền “Thần đồng đất Việt“

Hội đồng xét xử phúc thẩm sáng 20.8

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh với tư cách là bị đơn tại phiên tòa

Hai bên đưa ra nhiều lý lẽ để bảo vệ cho các thân chủ

Ông Nguyễn Vân Nam (phải) đại diện cho phía bị đơn

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn của ông Lê Linh cho biết thêm: “Luật các nước trên thế giới, kể cả Việt Nam cũng không có quy định nào về ‘dấu ấn cá nhân' như đại diện bị đơn đề nghị chứng minh, mà những gì quá đặc sắc thì chỉ có những chuyên gia có kinh nghiệm hoặc họa sĩ mới biết được. Đối với tác phẩm ngôn ngữ hoặc âm nhạc, khi người sáng tác nghĩ ra trong đầu. Ví dụ: 'Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng',  người chép lại chỉ là người chép thuê như cái máy, còn ở tác phẩm tạo hình thì khác hẳn chứ không như phía bị đơn nghĩ. Tại một lớp học vẽ, thầy chuẩn bị sẵn người mẫu, lọ hoa cùng ý tưởng cho cô gái ngồi bên cạnh lọ hoa để học trò vẽ, nhưng khi ra tác phẩm thì bức tranh đó, tác giả là của từng hoc trò chứ thầy không thể nói cô gái, bình hoa là do tôi chọn, ý tưởng là của tôi thì yêu cầu là…tác giả. Không thể chấp nhận như vậy được”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Vân Nam - đại diện cho bà Phan Thị Mỹ Hạnh và Công ty Phan Thị phản bác: “Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Điều 4, Khoản 7 và Điều 14, Khoản 3) cũng như tiêu chuẩn quốc tế về quyền tác giả, một tác phẩm để tác giả của nó được hưởng bảo hộ quyền tác giả, phải là sản phẩm sáng tạo tinh thần mang dấu ấn cá nhân của tác giả trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học. Điều 14, Khoản 3 luật này còn nhấn mạnh rằng, tác phẩm được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình. Với các điều kiện luật định như vậy, nguyên đơn không thể là tác giả của các tác phẩm hình vẽ 4 nhân vật đang tranh chấp”.

Ông Lê Linh trình bày các bản thảo gốc còn lưu giữ

Phiên xử diễn ra căng thẳng

Đại diện bị đơn cũng khẳng định quyền làm tác phẩm phái sinh là của Công ty Phan Thị: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Tác phẩm có được do sự phóng tác, cải biên, chuyển thể một tác phẩm gốc là những biến thể của tác phẩm gốc.Nếu cho rằng định nghĩa trên chưa đủ rõ, thì căn cứ vào Điều 5 Luật Sở hữu trí tuệ để có thể áp dụng Khoản 3, Điều 2 của Công ước Berne, mà Việt Nam là một thành viên. Theo đó, toàn bộ các biến thể khác của một tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật, ngoài dịch thuật, cải biên, biến tấu, đều là tác phẩm phái sinh. Vì vậy biến thể khác nhau của các hình tượng mà nguyên đơn nói đến ở đây, chính là các tác phẩm phái sinh”.
Ông Nam bức xúc đề nghị luật sư nguyên đơn nói rõ về những chỗ nào cắt xén tác phẩm mà bên ông Lê Linh cho rằng mình bị xúc phạm.

Phía bị đơn cũng đưa ra nhiều bằng chứng để lập luận

“Tôi xin giải trình bổ sung vì sao các biến thể nhân vật “Trạng Tí”, “Sửu ẹo”, “Dần béo”, “Cả Mẹo” trong các tập truyện tranh Thần đồng đất Việt từ tập 79 trở đi của Công ty Phan Thị đã bị bóp méo, sửa chữa tác phẩm gốc, gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”, luật sư Trương Thị Thu Hồng đáp lời ông Nam, đồng thời nêu dẫn chứng: “Từ tập 79 trở đi, nét vẽ của các nhân vật là biến thể của hình tượng các nhân vật “Trạng Tí”, “Sửu ẹo”, “Dần béo”, “Cả Mẹo” đã trở nên rất thiếu cảm xúc. Cụ thể tôi đưa ra ví dụ về nét vẽ nhân vật “Trạng Tí” ngẫu nhiên trong tập truyện số 190 mà Công ty Phan Thị thuê họa sĩ khác vẽ (hình bên trái) và tập số 69 do thân chủ tôi vẽ (hình bên phải) như sau: chỉ cần so sánh nét mặt của nhân vật “Trạng Tí” có thể thấy: nếp nhăn nơi ấn đường (giữa hai chân mày) khác hoặc không có; đuôi mắt không có nếp nhăn, mí mắt dưới không có nếp nhăn để thể hiện biểu cảm qua cơ mặt. Không diễn tả được tốt cảm xúc khi vui, giận, ngạc nhiên của nhân vật".
Bà Hồng tiếp: "Về nguyên tắc, phong cách nét vẽ hoàn toàn có thể được tái hiện giống nhau, nhưng cách truyền đạt cảm xúc rất riêng của một người họa sĩ thì không thể bắt chước. Chỉ cần chênh lệch vài nét đơn giản, nhưng giá trị thì đã khác nhiều. Các biến thể của các nhân vật từ tập 79 trở đi đã làm biến dạng tác phẩm gốc. Đây là lý do việc Công ty Phan Thị vẽ tiếp các biến thể là các hình tượng nhân vật “Trạng Tí”, “Sửu ẹo”, “Dần béo”, “Cả Mẹo” trong các tập truyện từ tập 79 trở đi gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

Luật sư Trương Thị Thu Hồng (phải) đại diện bên nguyên đơn tại tòa

Tại tòa, ông Lê Linh cũng đưa ra nhiều bản thảo gốc là những phác thảo đầu tiên và liên tục của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt mà ông luôn khẳng định ông là tác giả duy nhất.
Phiên tòa phúc thẩm vụ kiện Thần đồng đất Việt sẽ tiếp tục vào ngày 27.8 với phần trình bày quan điểm của Viện Kiểm sát trước khi Hội đồng xét xử ra phán xét cuối cùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.