Gây dựng lại thói quen đọc sách

21/04/2023 04:16 GMT+7

Hôm nay (21.4.2023), lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc VN lần 2 - năm 2023 diễn ra tại Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên-Huế (nơi đang sử dụng di tích Quốc Tử Giám làm trụ sở).

Đây là một lựa chọn địa điểm nhiều ý nghĩa, bởi từ thế kỷ 20, Huế không chỉ là kinh đô, mà còn là một trung tâm sách của miền trung VN.

Còn nhớ, vào năm 1933, được sự giúp đỡ tài chính của người chị ruột, nhà văn, nhà báo, nhà phê bình lý luận mác-xít Hải Triều đã thuê một ngôi nhà ở đường Trần Hưng Đạo gần cầu Trường Tiền để lập một hiệu sách lấy tên Hương Giang thư quán, làm nơi bán sách để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin thông qua sách báo tiến bộ. Đây cũng là địa chỉ bí mật của Tỉnh ủy Thừa Thiên, Xứ ủy Trung Kỳ và hiệu sách Hương Giang còn mãi cho tới sau này, như một trong những biểu tượng về văn hóa đọc của Huế.

Ngày trước, nói tới Huế là nói tới sách vở, tới đọc, học và thi. Ngày xưa đó, thi Hương tổ chức tại Huế, và rất nhiều nhà trí thức, nhà văn nhà báo lớn đã khởi phát sự nghiệp của mình tại Huế.

Hôm nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc VN lần 2 tổ chức tại một trung tâm văn hóa, trung tâm đọc sách như thế là rất phù hợp.

Khi việc khuyến đọc đang rất cần được tổ chức quảng bá, nâng cao với các hình thức tổ chức đưa sách đến với từng gia đình, từng thế hệ, thì Ngày Sách và Văn hóa đọc VN rõ ràng phải được coi như một lễ hội rất quan trọng. Được biết trong khuôn khổ lễ khai mạc, Bộ TT-TT sẽ công bố chương trình truyền thông khuyến đọc nhằm xây dựng các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu, quảng bá sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên cơ sở hợp tác giữa các đơn vị chức năng của Bộ với 8 cơ quan báo chí - trong đó có Báo Thanh Niên.

Đây là một sự hợp tác kịp thời, bởi trong một xã hội mà đọc sách không được quảng bá thành một hoạt động thường xuyên của mỗi con người, thì xã hội ấy rất khó phát triển.

Bây giờ, thật sự rất cần những "Hương Giang thư quán" như ngày xưa nhà văn Hải Triều đã lập ra, và quan trọng nhất là rất cần đông đảo người Việt nhiều thế hệ tới nhà sách để mua, đọc sách. Cũng rất cần những "Thư viện Xanh" tại các trường tiểu học, trung học để học sinh có sách đọc, rèn luyện thói quen và niềm say mê đọc sách.

Tôi đã từng chứng kiến những người nước ngoài ở các nước phát triển, bao giờ trong túi xách của họ cũng có một quyển sách mà họ thường tranh thủ đọc khi di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng. Thói quen đọc sách là điều quan trọng nhất cần được gây dựng lại cho người Việt chúng ta bây giờ. Những điện thoại thông minh, dù "thông minh" tới đâu, cũng không thể thay thế được sách.

Văn hóa nền được xây dựng bắt đầu từ sách, từ thói quen đọc sách. Bây giờ, nhìn những cháu nhỏ đọc sách, thấy vừa yêu thương vừa có niềm tin rằng, những đứa trẻ ấy lớn lên sẽ thành những công dân tốt, vừa có kiến thức vừa có đạo đức. Và xã hội muốn phát triển nhất thiết phải có những thế hệ đam mê đọc sách từ nhỏ như thế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.