Gaza giữa đổ nát: Những thách thức và rủi ro y tế cho quá trình tái thiết

Gaza giữa đổ nát: Những thách thức và rủi ro y tế cho quá trình tái thiết

08/10/2024 08:05 GMT+7

Những đống gạch đá đổ nát còn chứa những thi thể đã phân hủy và bom đạn chưa nổ, không chỉ là mối nguy hiểm đối với sức khỏe và an toàn mà còn là trở ngại lớn khi tái thiết Gaza.

Những con phố từng đông đúc của Dải Gaza giờ đây chỉ còn khung cảnh hoang tàn, với những hố bom, kim loại xoắn cong và những tòa nhà đổ nát.

Sau một năm bị Israel oanh tạc để trả đũa vụ tấn công của Hamas ngày 7.10.2023, vùng đất chật chội - có dân số trước chiến tranh là 2,3 triệu người - đã bị san phẳng.

Tại thành phố Khan Younis ở phía nam, dữ liệu từ trung tâm vệ tinh UNOSAT của Liên Hiệp Quốc cho thấy hơn 19.000 tòa nhà đã bị hư hại. Đây là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai. Khu vực đứng đầu là miền bắc Gaza.

Hamas tấn công các cộng đồng người Israel vào ngày 7.10. Theo số liệu của Israel, 1.200 người chết và khoảng 250 người bị bắt làm con tin.

Israel nói Hamas che giấu các thành viên giữa dân thường ở Gaza. Hamas phủ nhận cáo buộc này. Israel cho biết sẽ tấn công Hamas ở bất cứ nơi nào có các tay súng, đồng thời cố gắng giảm thiểu thiệt hại cho dân thường.

Gaza giữa đổ nát: Những thách thức và rủi ro y tế cho quá trình tái thiết- Ảnh 1.

Người dân Palestine nghỉ ngơi dưới đống đổ nát của một ngôi nhà bị phá hủy trong các cuộc không kích của Israel tại Khan Younis (phía nam Dải Gaza), ngày 26.9.2024

ẢNH: REUTERS

Các cơ quan y tế Palestine cho biết hơn 41.700 người đã thiệt mạng kể từ khi chiến dịch quân sự của Israel bắt đầu.

Quy mô tàn phá tại Gaza và tác động lớn đến khu vực Trung Đông

UNOSAT cho thấy hai phần ba các công trình trước chiến tranh của Gaza đã bị hư hại khi Israel cố gắng tiêu diệt Hamas, tổng cộng là 163.778 công trình.

Nếu đặt chúng lại với nhau, chúng sẽ nhiều hơn gấp ba lần so với số tòa nhà ở quận Manhattan của thành phố New York. Và Liên Hiệp Quốc ước tính rằng có hơn 42 triệu tấn rác thải đang chất đống ở Dải Gaza.

Con số này nhiều gấp hơn 14 lần số rác thải tích tụ trong tất cả các cuộc xung đột ở Gaza kể từ năm 2008, và đủ để lấp đầy Kim tự tháp Giza đến 11 lần. Khó khăn là rất lớn.

Liên Hiệp Quốc ước tính rằng nếu chiến tranh dừng lại ngay bây giờ thì cũng sẽ mất tới 14 năm và ít nhất 1,2 tỉ đô la để dọn dẹp an toàn những đống đổ nát.

Rủi ro về sức khỏe và an toàn

Nhưng quy mô của sự tàn phá chỉ là một trong những thách thức người dân Gaza phải đối mặt. Rác thải xung đột khác với chất thải xây dựng và phá dỡ thông thường, bởi vì có chứa các thi thể chưa được tìm thấy - mà theo Bộ Y tế Palestine là lên tới 10.000 người - cùng với bom đạn chưa nổ.

Và bụi sinh ra có thể bị nhiễm kim loại nặng từ đạn dược và hóa chất gia dụng hoặc công nghiệp. Tất cả đều gây ra rủi ro rất lớn về sức khỏe và an toàn.

Phần tù đọng trong các đường ống nước thải bị vỡ dưới các đống đổ nát cũng có thể gây ô nhiễm nguồn cung cấp nước và tạo ra môi trường cho côn trùng truyền bệnh hoặc nơi trú ngụ cho rắn và bọ cạp.

Các đống đổ nát cũng là môi trường tốt cho ruồi cát, có thể lây lan các bệnh nhiễm trùng da.

Sau một năm xung đột, Gaza vẫn còn cảnh bom rơi máu đổ

Amiăng

Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, hay UNEP, ước tính rằng 2,3 triệu tấn mảnh vỡ được tạo ra trong cuộc xung đột này có thể bị ô nhiễm amiăng. Vật liệu này chủ yếu xuất hiện trong các tòa nhà và công trình cũ của tám trại tị nạn đông đúc ở Gaza, trong đó có những trại đã bị Israel tấn công.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khi tiếp xúc lâu dài, các sợi amiăng có thể đi vào đường hô hấp, và theo thời gian có thể gây ra các bệnh như ung thư phổi, thanh quản và buồng trứng, cũng như xơ phổi.

Các chuyên gia cho biết các bệnh liên quan đến amiăng thường mất từ 10 đến 50 năm mới phát ra.

Thách thức là gì?

Gaza cần thêm khoảng 5 km vuông đất để chứa lượng gạch đá vỡ nát. Các bãi chôn lấp hiện nằm trong khu vực quân sự của Israel. Bộ Quốc phòng Israel cho biết các bãi này đang ở trong một khu vực hạn chế đi lại, nhưng sẽ được phép tiếp cận.

Các quan chức chính phủ báo cáo công tác dọn dẹp bị chậm vì tình trạng thiếu nhiên liệu và máy móc, hậu quả của các hạn chế do Israel đặt ra. Israel không bình luận cụ thể về những cáo buộc này.

UNEP cho biết sẽ cần sự cho phép của chủ sở hữu để dọn dẹp đống đổ nát. Nhưng quy mô của sự tàn phá đã làm mờ ranh giới tài sản và một số hồ sơ tài sản đã bị thất lạc trong chiến tranh.

Khi được hỏi về việc xử lý tình trạng đổ nát, Bộ Quốc phòng Israel cho biết đã đặt mục tiêu cải thiện việc xử lý chất thải và sẽ hợp tác với Liên Hiệp Quốc để mở rộng các nỗ lực.

Một số nhà tài trợ đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tái thiết Gaza. Nhưng một quan chức của Liên Hiệp Quốc yêu cầu được giấu tên đã nói với Reuters rằng “mọi người đều lo ngại liệu có nên đầu tư hay không nếu không có giải pháp chính trị nào được đưa ra”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.