Con số GDP trên, theo Tổng cục Thống kê, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý 1/2020 trong giai đoạn 2011 - 2023. "Kinh tế - xã hội quý 1/2023 của nước ta đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả", cơ quan thống kê số liệu của Việt Nam nhận định.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Đánh giá sâu hơn về tăng trưởng GDP, Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất nông nghiệp quý 1/2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi ở mức thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng tích cực, thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15.3.2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.
Tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm một số ngành dịch vụ quý 1/2023 như sau: dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%.
Trong quý 1/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%). Cơ quan thống kê của Chính phủ đánh giá, nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước quý 1/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Tính chung quý 1/2023, cả nước có gần 34.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 310.300 tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký 212.300 lao động, giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về vốn đăng ký và giảm 12,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 3 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 42.900 doanh nghiệp (tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước), gần 12.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 13,1%) và 4.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 6,5%). Bình quân 1 tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bình luận (0)