Ủy ban Kinh tế muốn bổ sung kịch bản GDP tăng trung bình 'đảm bảo tối ưu'

Mai Hà
Mai Hà
05/01/2023 10:04 GMT+7

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 mới đề ra kịch bản phát triển thấp và cao mà chưa tính đến kịch bản trung bình tối ưu, để có phương án huy động nguồn lực hiệu quả.

Sáng 5.1, sau phiên khai mạc kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc tờ trình trước Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Gia hân

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, báo cáo quy hoạch đề xuất 2 kịch bản phát triển, gồm: kịch bản thấp với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,26%/năm giai đoạn 2021 - 2025; 6,34%/năm giai đoạn 2026 - 2030; 6,3%/năm cho cả giai đoạn 2021 - 2030; 6,49%/năm giai đoạn 2031 - 2050.

Kịch bản phấn đấu với dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,63%/năm giai đoạn 2021 - 2025, 7,48%/năm giai đoạn 2026 - 2030, 7,05%/năm cho cả giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng có khả năng đạt 7,16%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050.

Theo đó, kịch bản thứ nhất được coi là kịch bản thận trọng, trong khi kịch bản thứ hai đòi hỏi phải phấn đấu cao hơn. Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, cần bổ sung “kịch bản trung bình” tối ưu nhất giữa kịch bản thấp và kịch bản phấn đấu.

Cụ thể, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến cần 48,3 triệu tỉ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011 - 2020 (khoảng 15 triệu tỉ đồng). Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong phương án huy động nguồn lực, Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa có giải pháp mới, đột phá. Do đó, đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng, làm rõ hơn để bảo đảm tính khả thi cho quy hoạch.

Báo cáo quy hoạch cũng mới chỉ đưa ra một số yêu cầu sơ lược về nhu cầu tài chính cùng với những giải pháp huy động vốn đầu tư khá chung chung, vì thế cần làm rõ hơn nguồn lực cho các mục tiêu phát triển.

Nhu cầu hạ tầng lớn, nguồn lực hạn chế

Đặc biệt, nhu cầu về vốn đầu tư cho xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều, công trình phòng, chống ngập úng, giao thông đường sắt… tại báo cáo quy hoạch là rất lớn, trong khi nguồn lực của đất nước còn hạn chế.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Chính phủ trình Quốc hội đã đề xuất 6 nhóm giải pháp, nguồn lực thực hiện. Đây là các nhóm giải pháp mang tính vĩ mô, đột phá và cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong quá trình tổ chức, thực hiện quy hoạch.

Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch cũng như nhiều định hướng phát triển lớn.

Riêng định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội đã bao gồm 4 vùng động lực quốc gia, 10 hành lang kinh tế, 2 khu vực lãnh thổ cần bảo tồn và vùng hạn chế phát triển và 3 ngành quan trọng cần phát triển.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến cho rằng, các giải pháp thực hiện chưa cụ thể hóa các định hướng đã đề ra. Do đó, đề nghị cần tiếp tục rà soát, cân đối các giải pháp, nguồn lực thực hiện để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của đất nước.

Thủ tướng trình Quốc hội miễn nhiệm các Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.