Theo ngân hàng BNP Paribas, chiến dịch chống tham nhũng của chính quyền Trung Quốc ảnh hưởng một phần đến GDP nước này.
GDP Trung Quốc hao hụt khoảng 1% đến 1,5% vì chiến dịch "đả hổ" - Ảnh: Reuters |
CNBC hôm 4.12 cho hay theo ngân hàng BNP Paribas, chiến dịch chống tham nhũng của chính quyền Trung Quốc đã làm hao hụt từ 1% đến 1,5% GDP hằng năm của nước này trong 2 năm qua và sẽ còn tiếp tục gây tổn thương một phần lên nền kinh tế nước này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống hối lộ và lãng phí trong hàng ngũ cán bộ ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2012. Đây là điều được thể hiện rõ ràng với công chúng nước này.
Tuy nhiên, chiến dịch trên ít nhiều ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc, cả về tiêu dùng và đầu tư. Chi Lo - nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng BNP Paribas cho hay đầu tư ở Trung Quốc vẫn đang đi xuống. Việc tặng quà - trước đây là điều được các tập đoàn và quan chức Trung Quốc áp dụng rộng rãi - nay đã không còn và đây có thể được xem như là “lại quả”, ông Lo nói thêm.
Ngoài ra, các dự án đầu tư của chính quyền địa phương cũng chịu ảnh hưởng. Chính quyền các địa phương cảnh giác với các dự án vì “ngay cả khi những đối tác thực hiện dự án hoàn toàn trong sạch, họ cũng bị nghi ngờ vì không thể biết được người làm cùng họ là ai”, ông Lo cho biết.
Tham nhũng thường xuyên là vấn đề đứng đầu trong cuộc thăm dò các mối quan tâm lớn nhất của người dân Trung Quốc. Tháng 9, cuộc khảo sát của Pew Research Center chỉ ra rằng 84% người dân cho hay các quan chức tham nhũng là một vấn đề lớn.
Hồi tháng 10, đảng Cộng sản Trung Quốc đã cập nhật các quy tắc dành cho thành viên của họ, trong đó quy định chặt chẽ hơn và rõ ràng hơn về một số vấn đề như cấm ăn xa hoa, cấm uống rượu và chơi golf, theo Tân Hoa xã.
Đợt chống tham nhũng cũng tác động đến các công ty nước ngoài tại Trung Quốc như GlaxoSmithKline. Năm ngoái, hãng dược phẩm khổng lồ của Anh bị phạt gần 500 triệu USD ở Trung Quốc sau khi chi nhánh địa phương của doanh nghiệp bị buộc tội hối lộ. Năm trong số các nhà quản lý của công ty này bị phạt tù.
Chuyên gia Chi Lo cho hay tác động lên kinh tế của các hoạt động chống tham nhũng sẽ bị suy yếu dần đến năm 2016 và 2017. “Tôi nghĩ rằng các tác động tiêu cực sẽ mờ dần và chuyện chính sách được nới lỏng sẽ xảy ra để niềm tin của người dân và nhà đầu tư được ổn định. Dù thế, tăng trưởng GDP vẫn sẽ bị kiềm chế bởi cải cách cơ cấu kinh tế đang diễn ra, với tốc độ tăng trưởng kinh tế dao động giữa 6% và 7% mỗi năm trong vài năm tới”, ông nói.
Kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc từ năm 2010 - thời điểm GDP nước này tăng hơn 10%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Đại lục tăng trưởng 6,8% trong năm nay và 6,3% trong năm 2016. Cả hai con số trên đều lớn hơn mức tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế châu Á, nhưng dưới mức tăng trưởng 7,3% của Ấn Độ.
Bình luận (0)