Đà tăng trưởng chậm của kinh tế Trung Quốc sẽ tái phân phối các hoạt động kinh tế toàn cầu, đồng thời làm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, theo các chuyên gia tại Oxford Economics.
Nếu Trung Quốc rơi vào kịch bản "hạ cánh cứng", tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm mạnh - Ảnh: Reuters |
Việc Trung Quốc tăng trưởng kinh tế ở mức 7% đã và đang tác động lên kinh tế thế giới, kéo tuột giá cả hàng hóa và đặt ra khó khăn cho các đối tác thương mại của nước này, theo Bloomberg.
Mới đây, nhóm chuyên gia tại Oxford Economics vừa đưa ra báo cáo về bức tranh kinh tế toàn cầu trong trường hợp chẳng may nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới ở vào thế “hạ cánh cứng”. Báo cáo cho hay nếu kinh tế Trung Quốc rơi vào kịch bản trên, tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm mạnh.
30 năm qua, đợt bùng nổ kinh tế đã giúp Trung Quốc giữ đến 11% tổng GDP và 10% tổng thương mại thế giới. Đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nước này thậm chí còn là một nhân tố quan trọng hơn với việc chiếm 11% nhu cầu dầu mỏ toàn cầu và từ 40 đến 70% tổng cầu các loại hàng hóa chủ chốt khác, theo số liệu từ Oxford Economics.
Quy mô hệ thống tài chính của Đại lục cũng không nhỏ. Nước này có nguồn cung tiền lớn hơn của Mỹ và chiếm 20% toàn thế giới. Vì thế, khi Trung Quốc hắt hơi, kinh tế thế giới có thể bị cảm lạnh, trước hết là trong lĩnh vực thương mại.
Tổng lượng hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc giảm khoảng 4% trong 3 quý đầu năm 2015, sau khi tăng trưởng trung bình 11% mỗi năm suốt những năm từ 2004 đến 2014. Việc này có thể khiến tăng trưởng thương mại thế giới giảm 0,4 điểm phần trăm trong 9 tháng đầu năm nay.
Về thương mại, những nước có mối giao thương chặt chẽ với Trung Quốc hoặc có nền kinh tế mở nhất sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất. Trong số này có thể kể đến các quốc gia và vùng lãnh thổ: Úc, Đài Loan, Hàn Quốc, Chile, Nhật Bản, Brazil, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Mỹ, Nga, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Đa phần các nền kinh tế phát triển có mức phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc thấp hơn. Song nước Đức có thể sẽ đi ngược lại.
Thứ nhì, kinh tế Đại lục sẽ để lại tác động gián tiếp lên GDP của các nước là đối tác thương mại của nước này, kéo theo ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Đơn cử, Nhật Bản sẽ không chỉ chịu đựng việc xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm mà còn chịu cả việc xuất khẩu sang các thị trường khác như Hàn Quốc và các nước châu Á khác đi xuống. Hàn Quốc và các nước châu Á nói trên chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế Trung Quốc.
Tiếp theo, sức khỏe kinh tế Đại lục có mối liên hệ đến giá cả hàng hóa. Bất kỳ mức giảm nào trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng sẽ khiến giá cả hàng hóa giảm sâu thêm, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung gia tăng trong những năm gần đây. Đây sẽ là tin xấu đối với nhiều nước như Úc, Brazil.
Yếu tố này sẽ dẫn đến một trong những hệ lụy: các nước xuất khẩu dầu và nhiều quỹ đầu tư quốc gia khác có ít tiền hơn để đầu tư vào các tài sản tài chính ở những nền kinh tế phát triển.
Thứ tư, nếu kinh tế tiếp tục giảm tốc, hệ thống tài chính Trung Quốc sẽ gặp nhiều vấn đề, điều này có thể gây ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Song không giống như Mỹ, tính khép kín của thị trường tài chính Trung Quốc lại là một điểm tích cực. Hiện phần lớn nhà băng Trung Quốc đều thuộc sở hữu của các nhà đầu tư trong nước, do đó nỗi lo về việc nợ xấu có thể trở thành vấn đề toàn cầu giảm đi.
Dù vậy, vẫn sẽ có một số quốc gia và vùng lãnh thổ có ngành ngân hàng bị ảnh hưởng nhỏ, trong đó có Đài Loan, Singapore, Anh, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Pháp, Đức.
Cuối cùng, khi kinh tế Trung Quốc lao đao, lợi nhuận các tập đoàn đa quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Đại lục hiện vào khoảng 1.500 tỉ USD, vì thế nếu lợi nhuận từ đầu tư thấp, nền kinh tế thế giới cũng sẽ chịu ảnh hưởng.
Bình luận (0)