"Có gì khum?", "Ai dị?"...
Ở nhiều doanh nghiệp hiện nay, có không ít nơi tồn tại cả 3 thế hệ nhân viên cùng làm việc. Đó là gen X (có năm sinh từ 1965 đến 1980), gen Y (có năm sinh từ 1980 đến năm 1994) và gen Z (có năm sinh 1995 đến năm 2012).
Để rồi từ đây, xuất hiện những trường hợp hài hước, khi gen Z sử dụng ngôn ngữ của thế hệ mình khiến những gen X, gen Y phải trố mắt ngạc nhiên vì không hiểu.
Anh Trần Nguyễn Đăng Hoàng (32 tuổi), làm việc ở Công ty công nghệ quảng cáo Nguyễn Trường, Q.Gò Vấp, TP.HCM, kể lại chuyện khi trao đổi công việc trong nhóm chat Zalo của công ty, một đồng nghiệp gen Z thường xuyên nhắn những câu chữ như: "Có gì khum?" (có gì không), "Ai dị" (ai vậy), "Sao zạ?" (sao vậy)... làm nhiều người bất ngờ và không hiểu.
Hay như anh Lê Phú Đông (34 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH Magonn Design, ở Q.7, TP.HCM, cũng cho biết khi trao đổi với đồng nghiệp gen Z, đặc biệt là những khi trao đổi trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, anh thường phải "đứng hình" khoảng vài giây để hiểu được ngôn ngữ mà đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn sử dụng. "Ban đầu, tôi không thể nào hiểu nổi những cụm từ như: chằm zn, u là trời, j z tr, rếpct... Sau này, khi tìm hiểu và được gen Z giảng giải, tôi mới biết những cụm từ ấy có nghĩa là: trầm cảm, úi trời, gì vậy trời, respect (bái phục)".
Không những Hoàng hay Đông, nhiều người thuộc thế hệ Y cũng từng cảm thấy sốc và choáng, thậm chí hoang mang khi rơi vào tình cảnh "không hiểu đồng nghiệp gen Z nói gì" với sự xuất hiện của những câu chữ "độc lạ" của gen Z.
"Các bạn vừa sử dụng teencode (hay còn gọi là ngôn ngữ xì tin, ngôn ngữ dành cho giới trẻ - PV), vừa kết hợp cả tiếng Anh và tiếng Việt. Những ngôn ngữ kiểu riêng biệt ấy đôi khi "làm khó" những thế hệ đồng nghiệp lớn hơn", chị Nguyễn Thanh Như (30 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH Beauty Inside, Q.7, TP.HCM, nói.
Không những sử dụng tại môi trường làm việc, nhiều gen Z vì quen giao tiếp ngôn ngữ của thế hệ mình, đã áp dụng luôn khi trao đổi với đối tác.
Vũ Trọng Luân (30 tuổi), làm việc ở Công ty Zitahima, TP.Thủ Đức, TP.HCM, chia sẻ chuyện từng nhận đơn đặt hàng của đối tác. Người liên hệ anh là một gen Z. "Bạn ấy viết email nhưng sử dụng teencode rất nhiều làm tôi... ngẩn tò te, ngơ ngác một hồi, phải tra Google mới biết thông điệp trong mail là gì", anh Luân kể.
Anh Luân cũng nhìn nhận, gen Z có xu hướng "chuộng" các icon (biểu tượng, hình ảnh) trên các nền tảng mạng xã hội. "Nếu là những mặt cười, mặt buồn thì còn dễ hiểu. Có nhiều bạn sử dụng những icon không tài nào hiểu được là muốn nói gì", anh Luân kể thêm.
Nên sử dụng "ngôn ngữ gen Z" trong môi trường công sở hay không?
Chị Như cho rằng khi làm việc với những gen Z, hiểu được gen Z cũng như những ngôn ngữ ưa dùng của thế hệ này khiến chị cảm thấy bản thân dường như trẻ ra. "Cũng thấy thú vị và vui vui khi học được những ngôn ngữ của gen Z. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng những câu "ai dị?", "có gì khum?", "làm giùm i" (làm giùm đi!)... trong giao tiếp đời sống bình thường. Còn khi liên quan đến trao đổi công việc, viết văn bản, tuyệt đối không nên sử dụng loại ngôn ngữ gen Z", chị Như nói.
Đỗ Thảo Linh (32 tuổi), phụ trách nhân sự một Công ty Agency (của Nhật Bản) ở Q.3, TP.HCM, cho biết bản thân phải "lục lọi", tìm tòi về "kho tàng từ vựng của gen Z" để có thể hòa hợp với gen Z ở công ty, để hiểu những đồng nghiệp gen Z nói gì, cụm từ ấy có nghĩa là gì...
"Là người thuộc thế hệ Y, khá gần thế hệ Z, nên tôi cảm thấy không quá khó khăn để hiểu được gen Z. Thế nhưng với gen X, nhiều đồng nghiệp khá lớn tuổi, họ thật sự không thể hiểu ngôn ngữ gen Z. Vì lẽ đó, mong sao gen Z đừng sử dụng ngôn ngữ của thế hệ mình vào môi trường công sở", chị Linh chia sẻ.
Theo chị Lê Thị Hoài Xuân (29 tuổi), phụ trách tuyển dụng của một công ty về du lịch trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM, gen Z cần tránh lạm dụng những teencode hay icon trong giao tiếp với đồng nghiệp với đối tác.
Chị Xuân cho rằng không khó để viết hay nói những chữ: biết, quá, quên, buồn, vui, mấy, được, không, luôn, quen... Thế thì khi trao đổi với đồng nghiệp, gen Z hãy phát âm y như vậy, viết y như vậy. Cớ gì phải đọc thành: bit, wá, wên, bùn, zui, mí, đc, khum, lun, wen...
"Khi đi ăn uống cùng nhau, có thể thoải mái sử dụng. Nhưng khi làm việc, đừng sử dụng. Tôi không đánh giá cao những gen Z trao đổi với đối tác, khách hàng mà sử dụng toàn những từ lóng, những ngôn ngữ riêng biệt mà họ quen sử dụng trong đời sống hàng ngày. Môi trường làm việc cần có sự nghiêm túc và chỉn chu trong từng câu chữ, lời nói", chị Xuân khuyên.
Bình luận (0)