Trong phim Nhà Bà Nữ từng có một đoạn hội thoại cao trào: "Con thà thất bại trong ước mơ của con, còn hơn là thành công trong ước mơ của mẹ", từng làm nhói tim nhiều người. Câu thoại trên như nói lên nỗi lòng của những gen Z đang ngày đêm bất lực trước sự sắp xếp của gia đình, không được tự do lựa chọn ngành học yêu thích.
"ẤP CON" TRONG VÙNG AN TOÀN
Chuẩn bị bước vào năm học cuối cấp quyết định cho tương lai phía trước, nhưng Lê Hạo Vĩ (học sinh lớp 11 Trường THPT Viên An, Cà Mau) luôn đau đáu nỗi lo không được học ngành mình yêu thích. Từ nhỏ, Vĩ đã yêu thích việc vẽ thiết kế thời trang và mong muốn được trở thành một nhà thiết kế trong tương lai. Tuy nhiên, vì không có điều kiện để đi học vẽ, gia cảnh khó khăn nên bố mẹ Vĩ mong muốn con trai theo học những ngành mà họ nghĩ là có tương lai hơn.
"Họ hàng thường xuyên bàn tán, góp ý với bố mẹ mình về việc học những ngành kiếm được nhiều tiền như: quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin… mà không để ý đến việc bản thân mình thích gì. Bố mẹ mình cũng tin tưởng họ hàng và trong mắt nhà mình thiết kế thời trang không khác gì thợ may. Trong quan niệm của những người xung quanh đây là một ngành tào lao, và con trai mà may vá thì không đàng hoàng tử tế", Vĩ chia sẻ.
Đã không biết bao lần Vĩ ấm ức, khóc nghẹn khi nghe những người xung quanh bàn tán, tính toán và đưa ra quyết định thay gen Z trong việc chọn ngành học. Chỉ mấy tháng nữa là vào học năm cuối cấp, Vĩ ngày càng bất an vì sợ sẽ bị ép học ngành mà bản thân không mong muốn.
Nhà Vĩ nằm trong vùng sâu của H.Ngọc Hiển, muốn di chuyển ra đường lớn phải đi xuồng qua một con sông, mặc cho những khó khăn cả về vật chất và tinh thần, gen Z này từng lọt vào vòng chung kết cuộc thi thiết kế Trang phục văn hóa dân tộc tại Miss Grand Vietnam 2022 (Hoa hậu Hòa bình VN). Đó cũng là lần đầu Vĩ được rời xa những vuông tôm, cánh rừng ngập mặn để đến với TP.HCM - nơi mà chàng trai này có thể hiện thực hóa giấc mơ. Chưa từng qua trường lớp học vẽ, không có kinh nghiệm may trang phục nhưng Vĩ đã làm nên điều kỳ diệu khi tự tay tạo hình bộ trang phục Cua Cà Mau để giới thiệu đến khán giả cả nước. Tuy không đoạt giải cao nhưng đó là một dấu ấn đặc biệt trong quá trình "đấu tranh" để được sống với đam mê của gen Z.
Tuy được bố mẹ ủng hộ trong lần đi thi này nhưng với phụ huynh của Vĩ đó chỉ là một cuộc dạo chơi quá sức với cậu bé. Họ cần lựa chọn cho con mình một chiếc áo vừa vặn, trong vùng an toàn.
AI CHI TRẢ HỌC PHÍ THÌ ĐƯỢC QUYẾT ĐỊNH NGÀNH HỌC ?
Học tốt những môn xã hội nhưng giờ đây Nguyễn Vũ Nghi phải "đối đầu" với toán cao cấp, kinh tế vĩ mô, vi mô... khi theo học ngành tài chính ứng dụng tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Mỗi ngày đến trường với Nghi đầy áp lực, từng bước chân lên giảng đường nặng như vác đá tảng trên vai. Nhớ lại khoảng thời gian cách đây gần 1 năm, thời điểm mà gen Z này phải một mình chống chọi với "tình thương" của cả họ hàng, bố mẹ dành cho mình khi họ liên tục áp đặt Nghi học ngành không yêu thích.
Khi bước vào bậc THPT, Vũ Nghi đã ấn tượng và yêu thích với những công việc như tiếp viên hàng không, điều phối viên sân bay. Đến ngày đặt nguyện vọng vào các trường ĐH, cô gái này đã hết lời thuyết phục bố mẹ để được học ngành quản lý hoạt động bay của Học viện Hàng không VN nhưng không thành. "Thời gian đó thật sự rất căng thẳng, mình đã mong bố mẹ để ngoài tai những lời khuyên của họ hàng để cho mình được sống với đam mê. Tuy nhiên dưới sự tác động và kiên quyết từ phía gia đình và họ là người chi trả học phí nên mình không thể làm khác. Lúc đó dù rất khó chịu nhưng mình đã tự trấn an bản thân rằng chỉ mất 3 năm thôi, sau đó sẽ đi làm và tự lo chi phí học ngành mình yêu thích", Nghi nói.
Vào môi trường ĐH, trái với những bạn cùng lớp luôn hăng say, dành thời gian để nghiên cứu các môn học thì Nghi thường xuyên cúp học hay đi học với tâm thế bị ép buộc. Đã không biết bao nhiêu đêm gen Z này mất ngủ, khóc ướt gối vì tự trách bản thân đã không quyết liệt trong việc tự quyết định tương lai của chính mình. Có lúc quá áp lực, Nghi đã thổ lộ cùng mẹ rằng ngành học hiện tại đang quá sức với bản thân nhưng chỉ nhận về được lời an ủi: "Rồi mọi chuyện sẽ qua".
Tương tự Vũ Nghi, Nguyễn Uyên Nhi, sinh viên năm nhất của ĐH RMIT cũng phải gác lại ước mơ trở thành tiếp viên hàng không vì sự "yêu thương" của bố mẹ. "Mình từng rất ngưỡng mộ sự chỉn chu và xinh đẹp của những nữ tiếp viên hàng không. Tuy nhiên, bố mẹ lại quyết liệt phản đối mình theo học ngành này vì tuổi nghề ngắn, làm việc ở môi trường khắc nghiệt ảnh hưởng đến sức khỏe và đặc thù công việc phải bay liên tục, phải xa gia đình. Thời gian chọn ngành mình thật sự rất căng thẳng vì trước giờ chỉ quan tâm đến việc trở thành tiếp viên hàng không mà không quá quan tâm đến ngành học khác", Nhi nói.
Thời điểm hiện tại, Uyên Nhi đang học tiếng Anh tại ĐH RMIT trước khi vào chuyên ngành. Ngoài nỗi buồn không được chọn nghề theo ước muốn, Nhi còn phải lựa chọn chuyên ngành theo sự định hướng của bố mẹ. Về phần bố, gen Z được kỳ vọng sẽ theo học các ngành như: công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, kế toán..., còn mẹ lại mong muốn Nhi theo ngành quản trị nhân sự. Cô gái cho biết bản thân hoàn toàn không hứng thú trước những ngành học trên. Tuy nhiên, Nhi không còn sự lựa chọn nào khác vì bố mẹ mới là người chi trả học phí.
NẠN NHÂN CỦA ĐỊNH KIẾN
Yêu thích những cung đường, cảnh đẹp trên khắp đất nước VN và thế giới nên từ khi học lớp 10, N.T.T (20 tuổi, ở Cần Thơ) đã mong muốn bản thân trở thành một hướng dẫn viên du lịch và travel blogger. Tuy nhiên, vì gia đình có truyền thống làm nghề y nên bố của T. luôn hướng con trai học khối B mặc dù năng lực và thiên hướng của gen Z này là khối C.
Bố của T. vốn là người gia trưởng, độc đoán nên ông luôn rất nghiêm khắc và lấn át tiếng nói của các thành viên khác trong gia đình. Với bố của T. chỉ có "tuân lệnh" và mọi lý lẽ được đưa ra đều đúng. Không có sự lựa chọn khác và mong mẹ tránh khỏi cảnh bị ba đay nghiến mà T. phải ép bản thân học những môn như toán, hóa, sinh để thi khối B. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, T. đã không đậu vào ngành y đa khoa của bất kỳ ngôi trường y công lập nào như mong muốn của phụ huynh. Gen Z này phải trải qua khoảng thời gian đen tối nhất khi phải chịu sự la mắng của bố vì ông sợ mất mặt với họ hàng, hàng xóm.
Sau thời gian khó khăn, những tưởng bố T. đã từ bỏ mong muốn cho gen Z này học ngành y, tuy nhiên ông đã nộp hồ sơ để chàng trai này vào học tại một trường y ngoài công lập.
"Mình thật sự không có một chút hứng thú nào với ngành y, kiến thức của những môn như giải phẫu khiến mình cảm thấy ám ảnh. Trên lớp, các bạn chuyên tâm học tập còn mình cứ ngáp ngắn, ngáp dài, có những hôm mình còn trốn học để đi du lịch. Hiện tại, mọi thứ với mình thật sự bế tắc, tiến thoái lưỡng nan, mình đã từng có suy nghĩ sẽ nghỉ học và tự đi làm thêm để được là chính mình nhưng nghĩ đến cảnh mẹ bị bố nặng nhẹ thì mình thật sự không đành lòng", T. chia sẻ.
Bình luận (0)