Vượt qua những rào cản áp đặt của bố mẹ, nhiều người trẻ đã dám bước ra khỏi vùng an toàn, quyết liệt theo đuổi đam mê.
Hạnh phúc dù ước mơ không kiếm được nhiều tiền
Hồ Như Phương (24 tuổi) giáo viên tại Trường chuyên biệt Bình An, tỉnh Bình Dương, từng đặt bút ký vào tờ giấy đăng ký nguyện vọng ngành giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trước sự ngỡ ngàng của gia đình và họ hàng. Từng phải chịu cảnh "lời ra tiếng vào" vì lựa chọn một ngành học không "hot" lại còn phải vất vả và đồng lương thấp của khối ngành sư phạm, tuy nhiên, Như Phương cách đây 5 năm đã giữ vững lập trường của bản thân và chỉ đăng ký đúng 1 nguyện vọng vào ngành giáo dục đặc biệt.
Sau 5 năm, giờ đây Như Phương đang là cô giáo của những đứa trẻ đặc biệt, với gen Z này mỗi ngày đi làm luôn cảm thấy hạnh phúc và được yêu thương.
"Công việc của mình mỗi ngày đều có nhiều thử thách, dạy dỗ những đứa trẻ bình thường đã mệt thì giáo dục những trẻ đặc biệt còn nhiều áp lực hơn… Mình nghĩ chính tình yêu với học trò đã giúp mình chiến thắng tất cả. Làm gì cũng vậy phải thật sự đam mê, yêu thích thì con người ta mới đủ dũng khí để vượt qua. Các bạn đừng bao giờ buông xuôi ước mơ của mình, phó thác số phận để người khác tính toán, chỉ cần bạn quyết tâm thì chuyện gì cũng có thể giải quyết. Vì vũ trụ luôn lắng nghe những trái tim ngoan cường", Như Phương chia sẻ.
Cũng gặp cản trở trong quá trình thực hiện ước mơ như Phương, Trương Thanh Sang (sinh viên năm cuối ngành công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM), thành viên sáng lập một nhóm nhạc underground mang tên Catchellers, cho biết gia đình cũng từng phản đối việc gen Z này theo đuổi nghệ thuật. Thời gian đó vì chưa có nhiều trải nghiệm nên Sang cũng chưa hình dung được việc đam mê âm nhạc sẽ trải qua những gì, nhưng chàng trai này vẫn luôn tâm niệm đã đam mê thì sẽ tìm cách. Không chọn cách tranh luận, chống đối với gia đình nên Sang vẫn đi học ĐH theo sự sắp xếp và song song đó là việc trau dồi kiến thức, tìm kiếm trải nghiệm với âm nhạc.
Sang cho biết ở thời điểm hiện tại dù chưa nổi tiếng, chưa giàu nhưng gen Z này vẫn tự hào vì có thể kiếm sống được từ đam mê và hạnh phúc với điều mình đang làm: "Nếu có điều gì cản bước trên con đường mà chúng ta lựa chọn, thì đó chính là cơ hội để ta trở nên mạnh mẽ và quyết đoán hơn với ước mơ của mình. Có thể những lý luận hay cảm xúc sẽ không thuyết phục được gia đình, nhưng sự nỗ lực và cống hiến hết mình sẽ giúp các bạn có những thành quả xứng đáng".
Đừng nghĩ bản thân cá biệt
Bắt đầu tập luyện thể hình từ những năm học THPT với mong muốn thay đổi ngoại hình và cũng từ đây Nguyễn Hoàng Tùng (25 tuổi, ngụ Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận thức được việc bản thân có niềm đam mê với công việc huấn luyện viên thể hình. Ban đầu khi chia sẻ mong muốn của bản thân với gia đình, Tùng đã không nhận được sự ủng hộ của bố vì ông muốn con trai làm công việc liên quan đến kiến trúc, nội thất để nối nghiệp gia đình. Tuy nhiên, Tùng đã thuyết phục được bố bằng sự quyết tâm, chăm chỉ đến phòng tập và bản thân tốt lên mỗi ngày.
"Thật ra ngày xưa bố không ủng hộ việc mình theo nghề huấn luyện viên vì sợ không có tương lai, tuổi nghề cũng không cao. Nhưng sự ngăn cấm của mỗi phụ huynh đều xuất phát từ việc sợ con cái của mình thất bại, khó khăn, chật vật với đam mê. Bản thân Tùng ngày đó đã rất quyết tâm trong việc thay đổi ngoại hình từ một cậu bé ốm yếu bắt đầu trở nên có cơ bắp khỏe mạnh rồi đi học lấy chứng chỉ huấn luyện viên quốc tế và có kế hoạch để phát triển bản thân trên một đoạn đường dài. Việc có mục tiêu rõ ràng trong việc chinh phục ước mơ là một yếu tố để có thể thuyết phục được bố mẹ ủng hộ con cái trong việc thực hiện đam mê", Hoàng Tùng chia sẻ.
"Nếu bạn có đam mê đừng ngần ngại điều gì mà không đấu tranh hết mình để giành lấy cơ hội hiện thực hóa nó. Đừng nghĩ bản thân mình cá biệt, vì trong bất kể ngành nghề, người khác làm được thì mình sẽ làm được, thậm chí là giỏi hơn", Tùng chia sẻ.
Chấp nhận thất bại trong giấc mơ của chính mình
Gia đình cũng từng có chút lo sợ việc kinh doanh từ quá sớm của Nguyễn Hoàn Lê Vy (học sinh lớp 12 Trường THPT Lưu Văn Liệt, tỉnh Vĩnh Long) sẽ khiến em sa sút trong việc học. Từ khi học THCS gen Z này đã có máu kinh doanh khi bán đồ ăn vặt, bán thú cưng cho các bạn trong lớp. Khi học THPT, nữ sinh này đã cùng chị gái thành lập một thương hiệu nến thơm. Trong tập cuối của chương trình Shark Tank mùa 5 Lê Vy và chị gái đã gọi vốn thành công với 200 triệu đồng cho 30% cổ phần với sự góp sức của: Shark Liên, Shark Hùng Anh và Shark Erik. Lê Vy là minh chứng cho việc một khi đã có đam mê, đủ sự quyết tâm thì chắc chắn sẽ vượt qua mọi trở ngại.
Hiện tại, Lê Vy đang trong quá trình ôn luyện để tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2023. Ban ngày Vy đi học trên lớp, đi học thêm, tối về tranh thủ học bài nhanh sau đó thì xử lý công việc như chăm sóc khách hàng, tìm hiểu tư liệu để phát triển sản phẩm mới, đến 0 giờ mới đi ngủ. Bận rộn là thế nhưng Lê Vy vẫn giữ vững thành tích học sinh giỏi trong suốt 11 năm học và học kỳ 1 của năm lớp 12. Cùng có 24 giờ mỗi ngày như người khác nhưng Vy đã biết tận dụng triệt để thời gian để vừa học, vừa kinh doanh và có được một vài thành công nhất định.
"Các bạn nên tự chủ trong ước mơ của mình, nếu có gặp thất bại thì vẫn có nhiều động lực để vượt qua. Còn nếu đang thực hiện giấc mơ của người khác thì khi gặp khó khăn mình cũng không có động lực để có thể vượt qua", Lê Vy chia sẻ.
Ý kiến
"Mình từng dừng việc học ngành thiết kế nội thất để trở thành một nhà thiết kế thời trang. Thời điểm đó gia đình, họ hàng đều phản đối và nghĩ mình dại dột, tuy nhiên mình không cảm thấy như vậy. Sẽ không có bất kỳ ai hiểu chúng ta hơn chính bản thân mình, phải thật sự chọn cái ngành nghề mà mình cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ mỗi ngày. Và nếu có thất bại trong chính giấc mơ của mình thì vẫn hơn là thành công, nhiều tiền với sự chán nản trong một công việc mà bản thân không thích".
Nhà thiết kế Huỳnh Tuấn (Cựu thủ khoa ngành thiết kế nội thất của Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM)
"Cha mẹ nên là những người định hướng, phân tích cho con cái trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp yêu thích chứ cũng không nên áp đặt. Bản thân mỗi người trước khi làm cha mẹ cũng đã từng là con cái nên sẽ hiểu được cái cảm giác thất vọng, đau đớn khi không thể thực hiện được ước mơ. Mỗi người trẻ nếu đã có ước mơ thì phải quyết liệt, tìm hiểu kỹ lưỡng, vì nếu bạn thật sự mong muốn và đủ quyết tâm thì không ai ép được bạn. Chính những điều này là chìa khóa để các bạn có thể thuyết phục được phụ huynh của mình".
Thiếu úy Nguyễn Thiện Thắng (Công tác tại Đội An ninh, Công an H.Đơn Dương, Lâm Đồng)
Bình luận (0)