Gen Z làm chủ: Vừa đi học vừa khởi nghiệp

Phạm Hữu
Phạm Hữu
13/02/2023 09:00 GMT+7

Từ những kiến thức học được, các sinh viên gen Z đã nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao rồi khởi nghiệp, làm chủ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.


7 NGÀY ĐÃ ĐƯA ĐƯỢC SẢN PHẨM RA THỊ TRƯỜNG

Chỉ mới học năm 2 Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nhưng Nguyễn Hoài Bảo đã bắt đầu dấn thân vào hành trình khởi nghiệp. Bảo là sinh viên khoa Công nghệ kỹ thuật hóa học nhưng lại có "máu kinh doanh". Nhận thấy không thể bỏ phí những gì mình học về ngành công nghiệp hóa học ứng dụng nên Bảo vừa học vừa mạnh dạn nhờ thầy cô hỗ trợ để tạo ra sản phẩm khởi nghiệp.

Gen Z làm chủ: Vừa đi học vừa khởi nghiệp - Ảnh 1.

Hoài Bảo (phải) đã làm chủ khi còn là sinh viên

Sẵn lợi thế nguồn nguyên liệu là dầu dừa ở quê dễ tìm, giá thành rẻ, Bảo nghiên cứu thêm và biến dầu dừa thành xà phòng dạng lỏng dùng để tắm dưỡng da. Sau nhiều lần thất bại, phải chỉnh sửa, thay đổi suốt 1 năm, sản phẩm sữa tắm dầu dừa của Bảo đã hoàn thiện.

Bảo mang sản phẩm tham dự cuộc thi khởi nghiệp ở trường và đoạt giải nhất. Từ bước đệm đó, cậu bắt đầu hành trình đưa sản phẩm ra thị trường. Bảo kết hợp với một đơn vị mỹ phẩm để sản xuất, thiết kế bao bì. Chỉ 7 ngày sau, sản phẩm của Bảo đã có mặt trên thị trường. Đồng thời nam sinh viên này vay vốn ngân hàng, kết hợp với nhà phân phối chiến lược, đăng ký bằng sáng chế, kiểm nghiệm, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Trong 2 quý đầu năm 2022, Bảo đã đưa ra thị trường gần 4.000 sản phẩm sữa tắm dầu dừa, chủ yếu tiêu thụ ở TP.HCM, Gia Lai và Hà Nội. Đây là thành công bước đầu của chàng sinh viên năm 2 khi dấn thân vào con đường khởi nghiệp.

Ưu điểm của gen Z khởi nghiệp hiện nay là sự máu lửa, nhiệt huyết với dự án của mình. Đó chính là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của một người chủ trẻ.


VÕ PHAN GIA HÙNG (Sinh viên năm 3 Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM)

"Cái khó của sinh viên khởi nghiệp là vấn đề thời gian, phải cân đối giữa việc học, nghiên cứu và làm. Vấn đề thứ hai là vốn và kinh nghiệm kinh doanh. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có những thuận lợi nhất định như được thầy cô tận tình hướng dẫn, góp ý cho sản phẩm. Mình còn có thể tận dụng phòng thí nghiệm của trường để nghiên cứu sản phẩm mới…", Bảo cho biết.

Trên con đường khởi nghiệp, Bảo luôn gặp nhiều áp lực khi làm chủ, nhất là làm sao để bán được sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, cân đối tài chính… Hầu hết nhân sự trong công ty của Bảo đều là sinh viên. Bên cạnh lợi thế sức trẻ, nhiều năng lượng, thì nhược điểm của các bạn là thiếu kinh nghiệm, hiệu suất làm việc chưa cao, ngại va chạm với môi trường bên ngoài…

"Ngoài ra, còn vấn đề nữa là tính kỷ luật khi làm việc. Vì đồng trang lứa nên chúng tôi tranh luận, cãi nhau suốt. Từ đó mình phải tự định hình lại bằng kinh nghiệm, sự kỷ luật và tầm nhìn để mọi người noi theo. Mình cũng có sự nghiêm khắc nhất định, như phạt những bạn vi phạm nội quy bằng cách trừ tiền…", Bảo chia sẻ.

Theo Bảo, sinh viên muốn khởi nghiệp thật sự không khó. Không cần phải tìm kiếm ý tưởng xa xôi, chỉ cần vận dụng những gì đã học. Quan trọng là quyết tâm, kiên trì làm cho bằng được mới có thể thành công.

Gen Z làm chủ: Vừa đi học vừa khởi nghiệp - Ảnh 3.

Võ Phan Gia Hùng (bìa trái) cùng nhóm bạn khởi nghiệp của mình

TẬN DỤNG SẢN VẬT Ở QUÊ

Đang là sinh viên năm 3 Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM, Võ Phan Gia Hùng đã đầu tư khởi nghiệp vào sản phẩm tinh dầu gừng và nhang đuổi muỗi từ gừng. Đó là thành quả của Hùng sau đề tài nghiên cứu khoa học về tinh dầu gừng ở trường từ năm 2020.

Hùng bắt đầu với nhang đuổi muỗi từ nguyên liệu gừng. Sở dĩ cậu chọn gừng vì giá thành rẻ, dễ tìm, quen thuộc với mọi người. Ngoài ra, gừng có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, dùng kháng khuẩn, viêm, xoa bóp cơ…

Sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng

Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận hai "ông chủ trẻ" Hoài Bảo và Gia Hùng đã tạo nên những sản phẩm có tính khả thi cao, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng hiện nay là sản phẩm từ thiên nhiên. Ngoài ra, các bạn còn làm tăng giá trị của nông sản Việt.

Các sinh viên này biết vận dụng những gì đã học và kết hợp với những nguyên liệu rẻ tiền, sẵn có ở quê để tạo nên những sản phẩm độc đáo, từ đó bắt đầu hành trình khởi nghiệp.

Về quy trình sản xuất, Hùng cho biết đầu tiên chưng cất tạo ra tinh dầu gừng, phế phẩm gừng thì sẽ tạo hình, thiết kế thành các loại nhang và nhang đuổi muỗi. "Có như vậy mới tối ưu hóa đồng vốn bỏ ra, không bỏ phí thứ gì", Hùng chia sẻ.

Sau thời gian giới thiệu và bán sản phẩm, sinh viên này nhận được tín hiệu khả quan từ người tiêu dùng. Sản phẩm cũng đã đoạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp của trường. Hùng dự định sẽ phát triển mạnh hơn thông qua chuyển giao công nghệ, tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm hơn nữa. Hiện Hùng bắt đầu triển khai dòng sản phẩm nhang gừng.

"Tập tành làm chủ thực sự khó. Nếu không có kiến thức, kinh nghiệm và vốn thì khả năng cao sẽ khó trụ vững. Ưu điểm của gen Z khởi nghiệp hiện nay là sự máu lửa, nhiệt huyết với dự án của mình. Đó chính là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của một người chủ trẻ", Hùng chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.