Ghép da điều trị vết thương

20/01/2015 07:00 GMT+7

Kỹ thuật ghép, vá da trên những vùng vết thương hở vừa tạo thẩm mỹ và quan trọng nhất là giúp phục hồi vết thương, giảm nguy cơ tàn phế.

Kỹ thuật ghép, vá da trên những vùng vết thương hở vừa tạo thẩm mỹ và quan trọng nhất là giúp phục hồi vết thương, giảm nguy cơ tàn phế.

Một ca phẫu thuật ghép da - Ảnh: Shutterstock
Một ca phẫu thuật ghép da - Ảnh: Shutterstock
Chiếc áo bảo hộ
Tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội liên tục tiếp nhận các bệnh nhân bị tai nạn vào điều trị trong tình trạng những vết thương phần mềm bị lóc da gây hở trơ phần cơ, xương.
“Thông thường sau khi được các đơn vị ngoại khoa xử lý chấn thương sau tai nạn, nạn nhân được chuyển đến chỗ chúng tôi để phẫu thuật tạo hình, trong đó có ghép, vá da. Da người được ví như chiếc áo bảo vệ cơ thể. Bởi vậy phục hồi cho chiếc áo được nguyên vẹn là bước điều trị tiếp theo để giúp vết thương phần mềm sớm lành”, TS Nguyễn Roãn Tuất, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cho biết.
Đơn vị này đang điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Văn D. (38 tuổi, ở Vĩnh Phúc) bị tai nạn lao động. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tróc toàn bộ da bàn tay phải, các ngón tay giập nát. Theo các bác sĩ, thông thường với trường hợp như vậy, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ toàn bộ bàn tay để ngăn nguy cơ hoại tử lan rộng lên phần cánh tay. Tuy nhiên, các bác sĩ đã hết sức nỗ lực để giữ lại bàn tay và ngón cái cho bệnh nhân.
“Sau khi được giữ lại, bàn tay tiếp tục được phục hồi da bằng phương pháp ghép da tự thân. Việc tạo hình ghép da giúp che phủ vùng cơ xương bị hở sau tai nạn, vết thương được bảo vệ, chống thoát dịch nên được hồi phục tốt hơn”, TS Tuất cho biết. Theo cảm nhận của anh D. thì: “Sau khi được phục hồi da, bàn tay tôi có dấu hiệu phục hồi chức năng rõ rệt hơn hẳn”.
Giảm nguy cơ tàn phế
Bệnh nhân Lê Đức H. (10 tuổi, quê Yên Bái) được bệnh viện của địa phương chuyển về Hà Nội sau khi đã xử lý chấn thương gãy chân. Bênh nhân phải lóc toàn bộ phần da từ đầu gối xuống cẳng chân và bàn chân trái. Phần gót chân, mu bàn chân, gan bàn chân cũng bị hở trơ cơ do mất da bao phủ.
TS Tuất cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành ghép mảng da lớn từ cẳng chân đến bàn chân để che phủ vết thương. Tiếp đó, tiến hành phục hồi gót chân cho cháu H. để cháu có thể đứng được, đi được. Phần da ghép được lấy da tự thân ở đùi của bệnh nhân”. Theo bác sĩ, nếu không được phục hồi da kịp thời, phần cơ bị hở do không được da bảo vệ phần vết thương này dễ dàng nhiễm trùng sâu, hoại tử lan rộng, kéo theo nguy cơ cháu bé phải cắt cụt chi đến tận đầu gối, chịu tàn phế suốt đời. “Hiện tại phần da ghép từ bàn chân đến đầu gối đã ổn định. Sức khỏe cháu đang bình phục tốt hơn”, gia đình của bệnh nhân chia sẻ.
Ghép da, phục hồi da tại vết thương đã thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từ nhiều năm qua, trong đó đã thành công trong ghép da, phục hồi da với diện tích da ghép rộng trên vết thương lớn. Theo TS Tuất: “Kỹ thuật ghép đã làm chủ, nhưng khó khăn khi ghép da lớn là nguồn da. Chúng tôi đã trang bị máy lấy da, bào da hiện đại. Thiết bị này cho phép lấy mảng da lớn với độ mỏng phù hợp, phục vụ cho ghép da và không tổn thương sâu ở vùng da lành được lấy đi, an toàn tối đa cho người bệnh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.