Tiến bộ về ghép tạng của VN đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân, tuy nhiên cũng đang đặt ra những vấn đề lớn cần sự chia sẻ của xã hội. Đặc biệt là khi các thầy thuốc đều biết rõ một người chết có thể cứu được 6 người sống.
Một ca ghép thận tại TP.HCM - Ảnh: Khánh Vy
|
GS-TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện (BV) 103 - Học viện Quân y, cho biết ca ghép thận đầu tiên tại VN do các chuyên gia của Học viện Quân y thực hiện vào năm 1992. Bệnh nhân là nam, hiện sống và làm việc với quả thận ghép trong hơn 21 năm qua.
|
|
Sau đó, ca ghép gan và ghép tim đầu tiên cũng được thực hiện tại Học viện Quân y lần lượt vào năm 2004 và 2010. Đặc biệt, trường hợp ghép gan đầu tiên là bệnh nhi N.T.D (khi đó 9 tuổi), nay đã là cô gái 19 tuổi, sức khỏe ổn định, và là sinh viên năm thứ nhất của Trường trung cấp Quân y.
Ghép thận, tim, giác mạc…
BV Chợ Rẫy (TP.HCM) bắt đầu ghép thận vào cuối năm 1992. Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh (Chủ tịch Hội Niệu - Thận học TP.HCM), Chợ Rẫy hiện là BV dẫn đầu cả nước về số ca ghép thận, với 400 ca ghép, trong tổng số gần 1.000 ca ghép thận trên cả nước. Bình quân mỗi năm, BV ghép thận 40 ca.
Còn BV Việt Đức (Hà Nội) hiện là nơi đi đầu về số lượng ghép tim - với 8 trường hợp. “Nếu không được ghép, những bệnh nhân này chắc chắn sẽ tử vong”, TS-BS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV nhận xét.
Ngoài các BV ở TP.HCM và Hà Nội, thì BV T.Ư Huế những năm qua cũng được đánh giá cao về lĩnh vực ghép tạng. GS-TS Bùi Đức Phú, Giám đốc BV T.Ư Huế, cho hay: “BV bắt đầu ghép thận từ năm 2011, đến nay đã ghép được 200 trường hợp”. Ngoài ra, từ năm 1993, BV T.Ư Huế cũng bắt đầu ghép giác mạc. Tiếp theo đó, đến đầu năm 2011, BV này thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên.
Cùng với ghép thận, ghép tim, giác mạc, năm 2014, thực hiện đề tài khoa học cấp nhà nước về “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng”, BV T.Ư Huế đã thực hiện thành công 2 ca điều trị ung thư bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc.
Ở lĩnh vực nhi, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng đã có thâm niên 10 năm thực hiện ghép tạng cho bệnh nhi. Trong 10 năm qua, BV đã ghép thận và ghép gan, cứu sống hơn 20 bệnh nhi.
Người chết cứu người sống
GS-TS Trần Ngọc Sinh cho rằng hầu hết nguồn tạng ghép trong nước lâu nay chủ yếu là lấy từ người thân (còn sống) của bệnh nhân; còn nguồn tạng hiến tặng thì rất hiếm. Chỉ riêng ở BV Chợ Rẫy hiện có 200 bệnh nhân suy thận mãn chờ có thận hiến, tặng để ghép. Do đó, nếu triển khai tốt việc ghép tạng lấy từ người cho chết não, ngưng tim sẽ cứu sống được nhiều người bệnh cần ghép thận, gan, và các bộ phận cơ thể khác. Vì vậy, từ năm 2008, BV Chợ Rẫy thực hiện ghép thận lấy từ người cho chết não. Từ đó đến nay, đã có 7 người chết não cho thận (12 người bị tai nạn giao thông, 1 người bị tai biến mạch máu não) và ghép, cứu sống được 13 bệnh nhân. Tới đây, BV triển khai bước tiếp là ghép thận lấy từ người cho tim ngừng đập. Đây là đề tài nghiên cứu cấp nhà nước của BV, do Bộ Y tế đặt hàng.
“Thực tế, người chết ở các BV thì nhiều nhưng người cho tạng rất ít, vì người thân của họ không đồng ý. Qua đề tài nghiên cứu của BV Chợ Rẫy, trên cơ sở đó sẽ xây dựng các quy trình cụ thể cần thực hiện cho một ca ghép thận từ người cho chết tim; cũng như nhằm động viên việc hiến tạng khi bệnh nhân, nạn nhân tử vong. Vì nếu hiến tạng ngay lúc tim vừa ngừng đập sẽ cứu được nhiều người bệnh khác”, GS-TS Trần Ngọc Sinh nói.
Theo TS-BS Nguyễn Tiến Quyết, tại BV Việt Đức, 20/23 ca ghép gan được thực hiện từ người hiến chết não. “Nguồn tạng hiến từ người cho chết não mở ra rất nhiều cơ hội sống cho các bệnh nhân có chỉ định ghép tạng. Một người chết não có thể giúp hai người được ghép thận, hai người được ghép giác mạc, một người được ghép tim, một người được ghép gan. Như vậy là một người mất đi hiến tạng cứu mạng sống và đem lại ánh sáng cho 6 người”, GS Quyết chia sẻ.
BV Việt Đức đã xây dựng được “Nhóm tư vấn hiến tạng từ người chết não”. Thành viên của nhóm là các bác sĩ được đào tạo kiến thức về chết não. Trong trường hợp xác định bệnh nhân có nguy cơ chết não, thành viên nhóm sẽ tiếp cận gia đình giải thích, tư vấn và thuyết phục hiến tạng.
Tuy nhiên, đúng như GS-TS Bùi Đức Phú nhận xét: “Làm sao để người dân và cộng đồng thấu hiểu được ý nghĩa nhân văn cao cả của việc hiến tạng cứu người, để chuyển đổi nhận thức là vấn đề không chỉ của ngành y tế mà cần toàn xã hội cùng vào cuộc”.
Cả nước đã có 13 trung tâm ghép tạng
VN thực hiện ca ghép tạng đầu tiên vào năm 1992 (ghép thận), đến nay cả nước đã có 13 trung tâm ghép tạng; và sau hơn 20 năm kể từ ca ghép tạng đầu tiên, theo con số thống kê chưa đầy đủ, đến nay các bác sĩ trong nước đã thực hiện khoảng 1.000 ca ghép thận, 46 ca ghép gan và 12 ca ghép tim; 1 người được ghép đa tạng cùng lúc cả thận và tụy; hơn 1.400 người được ghép giác mạc...
Ngoài ra, theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cả nước hiện có hơn 72.000 ca suy thận mãn giai đoạn cuối, mỗi năm có thêm 8.000 ca suy thận mới cần điều trị thay thế thận. Do vậy việc ghép thận trong những trường hợp này là rất cần thiết.
|
Bình luận (0)