Ghi âm, ghi hình tại phiên tòa: Nên cởi mở với báo chí

28/05/2024 11:37 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đồng tình việc siết quy định ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, nhưng cho rằng nên cởi mở hơn với báo chí.

Sáng 28.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi. Trong số này có quy định về việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa.

Ghi âm, ghi hình tại phiên tòa: Nên cởi mở với báo chí- Ảnh 1.

Quốc hội thảo luận về dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi

GIA HÂN

Theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thiết kế 2 phương án về nội dung trên:

Một là, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa; việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ tọa. Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Hai là, thực hiện theo quy định của các luật tố tụng và pháp luật có liên quan.

Cấm ghi âm, ghi hình tại tòa: Đại biểu Quốc hội cho rằng nên cởi mở với báo chí

Nên cởi mở với báo chí

Cho ý kiến về dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, đồng tình với quy định về ghi âm, ghi hình, vì đây là điều cần thiết.

Bà Nga dẫn thực tế cho thấy, thông tin về một số vụ án thời gian quan bị đăng tải tràn lan trên các kênh thông tin, mạng xã hội không chính thống. Cùng với đó là các ý kiến trái chiều từ dư luận.

Những hành vi trên đã tạo áp lực không hề nhỏ tới những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xét xử và tuyên truyền pháp luật, đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.

Nữ đại biểu đề nghị cân nhắc thêm 2 nội dung về vấn đề này. Thứ nhất là không nên chỉ giới hạn ghi hình chỉ phần khai mạc và tuyên án mà cần giới hạn cả việc ghi âm.

"Nếu để người dân tự do ghi âm, ghi hình sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử, ít nhiều tạo nên sự lộn xộn", bà Nga nói.

Vị đại biểu cũng nhấn mạnh, trong các phiên tòa ly hôn, tranh chấp kinh tế có nhiều bí mật đời tư, doanh nghiệp, nếu bị cắt gọt đưa nên mạng xã hội thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm trên môi trường mạng hiện đang rất khó khăn.

Thứ hai là nên cởi mở hơn với nhóm đối tượng là phóng viên, báo chí đưa tin tại phiên tòa. "Đây là những người được đào tạo chuyên môn, bài bản, việc thông tin chắc chắn sẽ có tính chuyên nghiệp, khách quan hơn", bà Nga nhận định.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ sự thống nhất như dự thảo, nhưng đề nghị chỉnh lý theo hướng phóng viên được phép ghi âm, ghi hình với bị cáo nếu họ đồng ý. Đồng thời, phóng viên phải ghi âm, ghi hình đúng diễn biến phiên tòa, chịu trách nhiệm với việc ghi âm, ghi hình. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan báo chí cũng phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra việc cắt ghép, chia sẻ không đúng quy định.

Ghi âm, ghi hình tại phiên tòa: Nên cởi mở với báo chí- Ảnh 2.
Ghi âm, ghi hình tại phiên tòa: Nên cởi mở với báo chí- Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (trái) và Nguyễn Thị Việt Nga

GIA HÂN

Bảo vệ bí mật đời tư cá nhân

Tiếp tục cho ý kiến về dự thảo, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) ủng hộ quy định như dự thảo về việc ghi âm, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp.

Theo nữ đại biểu, quy định như vậy nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân, nhất là những hình ảnh, bí mật cá nhân, gia đình.

Quá trình diễn ra phiên toà, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố nhưng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh, thậm chí có những thông tin nhạy cảm… Vì thế, những chứng cứ này cần được hội đồng xét xử xem xét, kết luận trong bản án, quyết định.

Đại biểu tỉnh Long An còn nhận định, quy định như dự thảo sẽ góp phần bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác

Cạnh đó, dự thảo luật cũng đã quy định tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật.

"Như vậy sẽ đảm bảo cho phiên toà được tiến hành đúng pháp luật, chất lượng, trang nghiêm, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình", bà Dung nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.