Năm 2011, xuất khẩu (XK) gạo Việt Nam vượt mốc 7 triệu tấn và kim ngạch XK trên 3,2 triệu USD. Các chuyên gia về lúa gạo lạc quan cho rằng, Việt Nam sẽ chiếm vị trí số 1 của Thái Lan về XK gạo trong năm 2012.
Nhưng nhìn từ cấp độ của người quản lý, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng: “Có soán ngôi Thái Lan hay không không quan trọng. Điều cốt lõi là nâng cao lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp XK”.
Năm 2011, dân số toàn thế giới đạt con số 7 tỉ người. Giá cả lương thực tăng làm cho hàng triệu người nghèo phải chi một nửa thu nhập cho lương thực. Người nghèo theo chuẩn hiện nay là thu nhập 1,25 USD/ngày. Như vậy với 9 tỉ dân vào 2050 thì sẽ thế nào? Chưa kể tác động của thay đổi khí hậu, nông nghiệp vừa là “nguyên nhân”, vừa là “nạn nhân” của sự kiện thay đổi không thể đảo ngược ấy. Làm thế nào thế giới đương đầu trong 4 thập niên tới đây? Câu trả lời không thể đi vào trực tiếp về nội dung kỹ thuật hoặc sinh học mà còn tính đến an sinh xã hội. Lương thực là căn bản của đời sống. Thế giới đang nhìn xem nông dân Việt Nam làm nhiều hơn lương thực thực phẩm, như một ấn tượng đặc biệt của một đất nước đổi mới (lúa gạo, cá tra, tôm sú, cao su, hồ tiêu, cà phê, hạt điều, rau quả). Nông nghiệp là trung tâm để giảm đói cho nhân loại và là con đường chính để thoát nghèo cho đa số dân cư.
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng mục tiêu sản xuất lúa gạo của Việt Nam phải nhắm đến an ninh lương thực là ưu tiên số một, trong đó thu nhập của nông dân trồng lúa là động cơ để phát triển sản lượng lúa cả nước. “Một nghịch lý cần được tháo gỡ là: nhà khoa học khuyến khích phát triển bền vững, trong khi nông dân cần thu nhập tăng. Nông dân không thể chấp nhận một giải pháp kỹ thuật mới, mà sau đó thu nhập của họ không được cải thiện khá hơn. Thực hiện GAP (thực hành nông nghiệp tốt), tìm đầu ra cho nông sản có giá trị XK cao có thể được xem là một trong các giải pháp được chọn. XK chỉ là một trong những phương tiện tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển bền vững, an toàn lương thực cho đất nước”, GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam nhận định. Điều kiện đặt ra Việt Nam phải có chiến lược XK gạo hợp lý, “không phải từ hạt gạo mà từ hạt lúa”. GS.TS Bùi Chí Bửu lưu ý, phải không ngừng nâng cao yếu tố tri thức trong quản lý và sản xuất, suy nghĩ nhiều đến giá trị gia tăng; thúc đẩy đầu tư của tư nhân trong nông nghiệp mạnh mẽ hơn, khuyến khích nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng xây dựng những cánh đồng mẫu lớn của Bộ NN – PTNT (đã thực hiện được 7.800 ha trong năm 2011), để tiếp cận công nghiệp hóa.
Thiện Duy
Bình luận (0)