Ghi nhận thêm bệnh nhi nhiễm Adenovirus tử vong

Liên Châu
Liên Châu
22/09/2022 19:57 GMT+7

Số ca nhiễm Adenovirus (virus Adeno) ghi nhận tại Bệnh viện Nhi T.Ư từ đầu năm đến nay đã lên đến 1.406 bệnh nhi, trong đó 7 ca tử vong (tăng 1 ca trong 1 tuần qua).

Hôm nay 22.9, Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) cho biết số ca bệnh dương tính virus Adeno ghi nhận tại bệnh viện này tăng cao.

Chỉ tính riêng từ tháng 8 đến ngày 21.9, tổng số ca bệnh Adenovirus được phát hiện tại bệnh viện là 1.316 trường hợp, trong đó có 738 bệnh nhi nội trú. Tỷ lệ chung trẻ nhiễm Adenovirus nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú.

Tổng số ca nhiễm Adenovirus ghi nhận trong toàn bệnh viện từ đầu năm đến nay là 1.406 bệnh nhi, số ca bệnh nội trú 811 (chiếm gần 58% các trẻ nhiễm) với 7 ca tử vong.

Tại các phòng điều trị, trẻ nhiễm Adenovirus không phải nằm ghép với các bệnh nhi khác

LÊ HIẾU

Đại diện Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay, trước diễn biến các ca trẻ khám và nhập viện do nhiễm Adenovirus đang có xu hướng tăng cao, bệnh viện đã nhanh chóng hướng dẫn về quản lý, phân luồng tiếp nhận, cách ly điều trị và dự phòng lây nhiễm Adenovirus.

Theo đó, các đơn vị khám bệnh trong bệnh viện tăng cường phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, chỉ định xét nghiệm xác định căn nguyên phù hợp; kê đơn và hướng dẫn chăm sóc đối với bệnh nhi nhẹ, bệnh nhi điều trị ngoại trú đồng thời phân luồng cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ hoặc các trường hợp đã xác định nhiễm Adenovirus.

Cách ly, điều trị riêng bệnh nhân nhiễm Adenovirus

Để tránh nhiễm chéo, Bệnh viện Nhi T.Ư đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị cá ca nhiễm Adenovirus nhập viện theo nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng.

"Các bệnh nhi nằm viện được chăm sóc và điều trị tại khu vực riêng, không phải nằm ghép, đảm bảo mỗi trẻ một giường bệnh. Phòng bệnh thông thoáng, khoảng cách giữa các giường bệnh phù hợp, theo quy định; hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện", chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện cho biết.

Theo PGS-TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi T.Ư, Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm; hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bệnh.

Adenovirus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi). Trong đó trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do sức đề kháng kém.

Virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như: suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng.

“Bệnh còn có thể để lại các biến chứng lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như: hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi”, PGS Hồng Hanh cho hay.

Tiêu chuẩn nhập viện điều trị trẻ viêm phổi nhiễm Adenovirus kèm theo một trong các triệu chứng:

Khó thở: thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản.

Suy hô hấp hoặc giảm ô xy máu: tím, SpO2 dưới 94%.

Có dấu hiệu toàn thân nặng: nôn không uống thuốc được, co giật, li bì, tình trạng nhiễm trùng nặng.

Bệnh nền nặng: bệnh phổi mạn, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng…

Tổn thương trên X quang phổi: tổn thương phổi nặng, hoại tử phổi.

Các trường hợp sau khi điều trị ổn định sẽ chuyển tuyến dưới điều trị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.