Tôi có được chuyến lang thang sau chiến tranh này là nhờ anh Nguyễn Chí Trung, anh Thu Bồn, anh Nguyên Ngọc và bạn bè như chị Ý Nhi hay Ngô Thế Oanh. Nhà thơ nữ Ý Nhi học trên tôi một lớp ở khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội (cùng lớp với Trúc Thông). Chị Ý Nhi khi đang học đã có thơ đăng Báo Văn nghệ, chị lại yêu thầy Nguyễn Lộc, lại làm bí thư chi đoàn hay sao ấy, nên chúng tôi chỉ dám "kính nhi viễn chi".
Gặp chị Ý Nhi ở Sài Gòn và đi cùng đoàn suốt một thời gian, chị Ý Nhi đã hào hiệp bao cho tôi và Ngô Thế Oanh gần như suốt chuyến đi. Nói vậy, chứ đã lang thang mà không có tiền, lại chẳng ai bao cho, thì khó khăn là cái chắc. Hồi đó, tôi chẳng có đồng nào, Oanh thì có bao nhiêu tiền đổ vào mua sách cả. Anh Thu Bồn thỉnh thoảng bao nhậu. Còn chị Ý Nhi thì thường xuyên bao… ăn. Vì đâu phải lúc nào mình cũng ăn với đoàn. Cũng có những lúc mấy anh em, chị em tách riêng đi chơi.
Trở lại với chuyến lên Đà Lạt. Tôi hoàn toàn không chủ động, chỉ là "ăn theo" trong chuyến lữ hành này của các nhà văn Khu Năm. Anh Nguyễn Chí Trung bảo đi, là đi luôn, dù đang chơi ở Sài Gòn hơi bị thoải mái. Chưa thấy anh bảo "thắng" (dừng) nên mình chưa thắng.
Vừa giải phóng xong, Ban Binh vận đã lập tức cho tôi được nghỉ việc để trở về cơ quan cũ ở Hà Nội. Tôi nhận được quyết định "hồi hương", cùng hồ sơ lý lịch và nhận xét của cơ quan chủ quản. Có điều rất vui, là sau này tôi chưa bao giờ và ở đâu nộp hồ sơ lý lịch này cả. Chẳng ai hỏi, và tôi cũng không nói.
Đi với đoàn anh Nguyễn Chí Trung, dĩ nhiên là thuộc về đoàn, nhưng tôi cũng chỉ là thành phần "tấp vào" thôi. Chưa bao giờ tôi được tự do như vậy, kể cả tự do… đói, vì không có đồng bạc nào trong túi. Nhưng tôi tuyệt nhiên không lo lắng, khi bên cạnh mình luôn có những người bạn tốt, có một "đoàn nhà văn" tốt, và cả đoàn lại có tới hai chiếc xe ô tô cũng còn tốt để vi vu khắp miền Nam.
Hồi ấy, lái xe là những người tình nguyện. Hai lái xe cho đoàn chúng tôi đều là dân chuyên nghiệp từ Đà Nẵng, tình nguyện lái xe đưa các nhà văn vào Sài Gòn ngày 30.4. Sau đó lái tiếp đi bất cứ đâu mà đoàn yêu cầu. Mấy bác tài này đều có máu lang thang, chứ không nhằm mưu lợi gì. Xăng dầu thì hình như mua dọc đường, hay không phải mua mà xin, thì tôi không rõ. Chỉ biết, mình cứ lên xe là xe… chạy. Tới bữa, mọi người đánh chén thì mình cũng tưng bừng. Vô lo vô nghĩ.
Rời Sài Gòn buổi chiều thì tới Đà Lạt lúc đêm. Cả đoàn tấp vào nhà một người trồng rau quê Quảng Ngãi để nghỉ. Gia đình này rất vui khi được tiếp đón chúng tôi. Họ là những người lao động lương thiện, chăm chỉ, họ có là cơ sở cách mạng không thì tôi chẳng rõ, nhưng hồi ấy, gia đình nào được đón "người giải phóng" về nhà thảy đều hoan hỉ, dù chả được cái gì. Để mất đi những tình cảm vô tư ban đầu ấy của người dân ở vùng tạm chiếm, là một tội lỗi.
Hôm sau, chúng tôi bắt đầu triển khai thăm thú Đà Lạt. Đúng là một vùng đất thần tiên, với những ngôi nhà như trong cổ tích Andersen, những con đường uốn lượn lên dốc xuống dốc luôn mở ra những bất ngờ như trong tiếu thuyết phương Tây. Đà Lạt ngày ấy còn nguyên vẻ đẹp "Tây" mà nó có từ hơn nửa thế kỷ. Nó hoang sơ một cách được chọn lọc, và được chọn lọc để hoang sơ.
Tôi với Ngô Thế Oanh cứ đi bộ khắp Đà Lạt mà ngỡ mình đi trong mơ. Hoa tường vi, hoa mimosa, rồi bao nhiêu loài hoa gì chúng tôi không biết tên cứ chen nhau nở trên mỗi bước chúng tôi qua. Những rừng thông mà mỗi cây thông như một chiếc ô màu xanh thơm ngan ngát. Những biệt thự Tây mang vẻ đẹp lạ lẫm quen thuộc với những đứa hay đọc sách như chúng tôi.
Đêm Đà Lạt, anh chị em văn nghệ ở đây đón chúng tôi bằng một "đêm không ngủ" theo truyền thống tụ tập ca hát, đọc thơ tranh đấu của sinh viên các đô thị miền Nam. Lần đầu tiên tôi được đọc thơ mình cho anh em văn nghệ và sinh viên đô thị nghe. Rất cẩn thận, tôi chỉ đọc một trích đoạn trong trường ca mà tôi bắt đầu viết, về sau mang tên Những người đi tới biển.
Từ Đà Lạt, đoàn nhà văn miền Trung đi xuống Ninh Thuận và ghé lại thị xã Phan Rang. Tôi gặp lại những người đàn ông đàn bà Chàm "im lìm như tượng đá", giống những người Chàm mà tôi từng gặp ở Campuchia. Lại những chiếc xe bò bánh gỗ rất to, vành bánh xe làm bằng gỗ căm xe - loại gỗ quý mà tôi quá quen khi ở rừng. Phan Rang bụi cát, và rất nóng. "Những người Chàm đi qua buổi trưa im lìm".
Chúng tôi ghé Nha Trang. Anh em văn nghệ tranh đấu ở Nha Trang nồng nhiệt đón chúng tôi. Lại tổ chức gặp mặt giao lưu, đọc thơ. Tôi để ý, trong cuộc gặp gỡ với giới trí thức, văn nghệ sĩ ở Nha Trang, nhà học giả Cung Giũ Nguyên ngồi ở phía khách mời. Ông có vẻ lặng lẽ. Chợt nhớ thơ Trần Mai Ninh. Nhưng thời điểm ấy nhắc tới Nhớ máu là không phải lúc.
Hôm sau, chúng tôi đi và ghé Tuy Hòa - Phú Yên. Chỉ ghé qua trong chốc lát, nhưng Tuy Hòa và nhất là, Sông Cầu, thật ấn tượng với tôi. Không phải vì thị xã và thị trấn này hoành tráng gì, nhưng nó đúng là thị xã, thị trấn biển. Cứ như biển tràn qua đường quốc lộ. Biển trào lên trong buổi trưa đầy nắng. Và dọc đường, những em bé giơ lên chào mời chúng tôi những con cua xanh biếc, những con ghẹ màu nâu nhạt. Tôi đang thực hiện được giấc mơ của mình từ khi đi Trường Sơn, là đi bộ vào chiến trường Nam bộ bằng đường Trường Sơn và trở ra Hà Nội bằng đường số 1.
"Lại đi. Lại đi. Trời xanh thêm" (thơ Phạm Tiến Duật). Trời xanh thật, vì đang tháng 5, tháng nắng đẹp ở miền Nam và miền Trung.
Thú thực, cảm tưởng đầu tiên của tôi với Quy Nhơn không mấy mặn mà, dù đây là thành phố biển, gió biển mặn thổi suốt đêm ngày. Có lẽ tôi thấy Quy Nhơn hơi "xộc xệch", và hơi thiếu sức thu hút của một thành phố.
Chợt nhớ 21 năm trước, tôi đã xuống tàu thủy từ biển Quy Nhơn để tập kết ra Bắc. Bấy giờ, thành phố còn quá nhỏ bé, chỉ những bãi cát là rộng, bụi cát bay mù. Cảm tưởng về Quy Nhơn của tôi năm 1975 vừa đúng vừa sai. Đúng, vì thành phố này không thể so với những thành phố lớn ở miền Nam như Sài Gòn hay Nha Trang. Sai, vì tận chiều sâu, Quy Nhơn ẩn chứa bao điều mà tôi chưa thể nhận ra khi mới lướt qua.
Quy Nhơn lúc ấy vừa phố vừa làng chài, ngoại vi một chút là làng quê. Tôi cũng không ngờ, mấy năm sau, vào 1979, tôi và vợ tôi lại vào sống ở Quy Nhơn. Và sinh cháu thứ hai ở thành phố này năm 1980. Gia đình nhỏ bé của tôi đã ở đó suốt 10 năm.
Vào cuối tháng 5.1975, Quy Nhơn với tôi và Ngô Thế Oanh còn có thêm thơ của Lê Văn Ngăn viết về thành phố này với Sóng vẫn đập vào eo biển. Bài thơ từng in trên Tạp chí Đối Diện mà tôi và Oanh đều rất thích. Chúng tôi đã tranh thủ thời gian ngắn ở đây để lang thang lên eo Nín Thở, chính là cái eo biển mà Lê Văn Ngăn đã viết bài thơ nổi tiếng. Và qua trảng cát nơi tôi đã xuống thuyền ra tàu Ba Lan đậu ngoài khơi xa để đi tập kết.
Khi xe chúng tôi (gồm Thu Bồn, Ý Nhi, Ngô Thế Oanh và tôi) về tới gần quê tôi (Đức Tân, Mộ Đức, Quảng Ngãi), quốc lộ 1 trải nhựa loang loáng ướt dưới nắng trưa. Tôi nói với anh Thu Bồn và chị Ý Nhi cứ về Đà Nẵng trước, tôi và Oanh sẽ về thăm nhà tôi, quê tôi vài ngày. Đã 21 năm rồi còn gì!
Tôi rất cố gắng để huy động trí nhớ, chỉ sợ xe chạy vuột qua mất làng mình. May mà cây cầu Giắt Giây đang còn, dấu mốc tôi vẫn nhớ từ hồi nhỏ. Khi qua cầu, xe chạy thêm một đoạn nữa, tôi mới chịu dừng lại hỏi thăm. Gần như đúng chỗ con đường làng rẽ xuống nhà tôi.
Thay mặt gia đình, đứa con lưu lạc sau 21 năm lại được về với "mái nhà xưa" sớm nhất, trước cả cha mẹ mình. Nhà tôi đây ư? Một mái nhà lợp tôn xa lạ và khá lụp xụp, lại đang có người ở. "Gia chủ tạm" tỏ ra sợ hãi khi thấy "gia chủ thật" về nhà. Nhưng tôi rất vui vẻ, trấn an họ, nói họ cứ ở, khi nào thầy má tôi về họ giao lại đất vườn cũng được (vì ngôi nhà đang tọa lạc ở đây không phải ngôi nhà cũ của gia đình tôi, mà do "gia chủ tạm" cất lên, cũng rất tạm bợ, để ở).
Tôi không hỏi nhân thân, nhưng thấy họ cũng nghèo. Có thể họ là bà con với người chính quyền cũ, nên được phép "lấn chiếm", và không ngờ giải phóng đến nhanh như vậy. Nhà tôi lúc trước chắc thuộc diện "nhà VC vô chủ". Thôi cứ để họ ở thêm ít lâu.
Tôi đi thăm bà con. Có gia đình vợ con ông anh con cô ruột ở bên kia sông. Cô ruột tôi đã mất trước giải phóng. Ông anh tập kết chưa về. Lại có gia đình với hai chị em con ông bác gần nhà tôi. Hai bà chị đều ở vậy qua 21 năm. Đêm đầu tiên được ngủ ở quê, nhưng không phải ở nhà mình. Tuy vậy tôi vẫn rất ngon giấc. Tôi chưa tới tuổi phải trằn trọc vì về quê mà không được ngủ ở nhà mình.
Quê tôi rất ít thay đổi. 21 năm mới về lại quê, sau khi đã lang thang qua Trường Sơn, qua đồng bằng sông Cửu Long, qua chiến tranh, tôi có cảm giác mình đã trưởng thành. Dù vẫn khá hồn nhiên, hơi ngơ ngác. Bà con tôi ở quê hẳn nhiên là vui khi thấy tôi về.
Lúc rời quê tập kết, tôi là một đứa bé con gầy nhẳng, học lớp 1 ở trường làng. Khi về, đã là "anh giải phóng quân" tốt nghiệp đại học, cao 1,7 m, có thâm niên 5 năm ở chiến trường. Còn gì hơn nào!
Nhưng thú thật, tôi chả cảm thấy chút gì "tự hào" kiểu như vậy. Tôi vẫn thế, gầy nhẳng, như hồi còn nhỏ, chỉ khác là đã… làm thơ. Đúng, hồi nhỏ mình đâu có biết làm thơ là gì. Mình đâu phải "thần đồng thơ". Mình chỉ là đứa trẻ nhà quê, thích nghịch chơi với những con chuồn chuồn, con cá, con cua…
Hai bà chị làm thịt vịt đãi tôi và Oanh, "thịt vịt ăn mát, tránh phong". Thế là liên hoan mừng sum họp. Hai hôm sau, tôi với Oanh ra thị xã Quảng Ngãi, trước lúc về Đà Nẵng…
Bình luận (0)