Trong khuôn khổ Diễn đàn, chuyên đề về “Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường vốn và thị trường bất động sản có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ trợ cho nhau phát triển, rủi ro của thị trường này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường còn lại. Do vậy, cần có sự đánh giá, nhìn nhận sự phát triển của cả hai thị trường để có các giải pháp phát triển phù hợp, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 có khoảng 600 đại biểu tham dự |
NG.NG |
Ông cho biết: “Mặc dù nền kinh tế chịu tác động của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền liên tục tăng từ đầu năm 2021, đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Tuy nhiên, trong quý 1 năm nay, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ chỉ đạt 20.325 giao dịch thành công, bằng khoảng 45,5% so với quý 4/2021 và bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2021”.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc tăng giá trên thị trường bất động sản được cho là do yếu tố cung cầu. Nguồn cung của thị trường chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, dẫn đến giá nhà tăng, do nhu cầu nhà của người dân tăng trong bối cảnh đô thị hóa nhanh là xu thế chung của sự phát triển. Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc tăng giá nhà ở là do đầu cơ, tích trữ của một bộ phận nhà đầu tư. Và Thứ trưởng nhấn mạnh: Mặc dù có sự tăng trưởng nhanh, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, nhưng thị trường vốn, thị trường bất động sản vẫn còn một số hạn chế cần được phân tích, làm rõ để khắc phục trong thời gian tới. Đối với thị trường vốn, có thể thấy thị trường phát triển chưa sâu, dễ bị tác động.
Thông tin tại hội thảo "Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19", các chuyên gia cho biết, thu nhập bình quân tháng của lao động giảm mạnh, từ 6,7 triệu đồng năm 2019 còn 5,3 triệu đồng năm 2021 |
NG.NG |
Thời gian qua, thông qua tín dụng ngân hàng và thị trường vốn, các doanh nghiệp bất động sản đã huy động được một lượng vốn lớn, hỗ trợ đắc lực và hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển các dự án. Việc huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tiềm ẩn rủi ro cho thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn, thị trường bất động sản nói riêng. "Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao thiếu thông tin, kém minh bạch, có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, hậu quả sử dụng vốn thấp và thị trường bất động sản không thuận lợi cũng khiến dòng tiền trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn của doanh nghiệp khó khăn... Thế nên, cần có những giải pháp giúp thị trường vốn, thị trường bất động sản phát triển lành mạnh", ông nói.
Dự kiến, chiều nay 5.6 sẽ diễn phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao với sự tham gia của các lãnh đạo cao cấp trong Đảng, Chính phủ và các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. Nội dung tập trung đánh giá tác động của tình hình địa chính trị hiện nay dẫn đến việc định hình lại các khuôn khổ hợp tác quốc tế; xây dựng nền kinh tế tự chủ trong bối cảnh hội nhập sâu rộng; đánh giá diễn biến kinh tế quốc tế, các xu hướng mới trên thế giới và cơ hội, thách thức cho kinh tế Việt Nam; các vấn đề về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và đầu tư công dẫn dắt tăng trưởng hiện nay….
Bình luận (0)