Bò ngoại giá cạnh tranh, sử dụng tiện lợi
Ngay tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, các sản phẩm bò đông lạnh ngoại nhập đang chiếm ưu thế từ hàng quán đến cả chợ và siêu thị, đặc biệt là các kênh bán hàng online nhờ giá có tính cạnh tranh cao.
Đại diện một cửa hàng bán bò nhập khẩu online có địa chỉ tại P.Tam Hòa (Biên Hòa) cho biết: Những năm gần đây việc buôn bán liên tục được mở rộng nhờ giá thịt nhập khẩu giảm. Các sản phẩm tiêu biểu về chất lượng và được tiêu thụ tốt như thịt bắp và thịt ba chỉ bò có giá hết sức cạnh tranh.
Đơn cử giá bán lẻ bắp bò Úc chỉ 105.000 đồng/500 gr, ba chỉ bò Mỹ chỉ 115.000 đồng/500 gr... Đặc biệt, sản phẩm được sơ chế và đóng gói cẩn thận, chỉ việc mở túi nhựa ra là có thể sử dụng được ngay cho các món xào, nấu hoặc nhúng lẩu đúng theo phong cách ẩm thực hiện đại.
Đối với trung tâm kinh tế TP.HCM, sử dụng thịt bò ngoại trong các bữa ăn đã trở nên phổ biến ở các hàng quán phổ thông cũng như bữa cơm gia đình của giới bình dân. Chị Trần Thùy Chi, một nhân viên văn phòng ở Q.3, cho biết: Gia đình chị có 2 con nhỏ và cả 2 vợ chồng đều làm việc văn phòng nên chỉ có cơ hội ăn cơm cùng nhau vào buổi tối. Sau giờ tan làm thường không kịp thời gian để đi chợ nấu ăn nên thường cuối tuần chị sẽ đi siêu thị chuẩn bị sẵn và bò ngoại là lựa chọn hàng đầu trong giỏ hàng của chị.
"Các sản phẩm thịt bò ngoại hiện tại rất tiện dụng, ví dụ như thịt ba chỉ bò họ cắt sẵn và cuộn lại thành từng cuộn. Một số loại khác như thịt bít tết có kèm theo gói gia vị và hướng dẫn sử dụng. Các sản phẩm thường đóng thành khay, gói 300 - 500 gr rất phù hợp với nhu cầu của gia đình. Đặc biệt, giá ngày càng cạnh tranh, chỉ trong khoảng 100.000 - 150.000 đồng/phần, rất phù hợp cho những người bận rộn và không giỏi nấu nướng. Trong khi thịt bò Việt Nam hiện nay vẫn kinh doanh theo kiểu truyền thống. Đơn giản nhất là khi mua một miếng thịt phi lê phải nhờ nhân viên thái nhỏ mang về nhà chia thành từng phần phù hợp nhu cầu rồi cho vào dụng cụ bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đông. Vừa phức tạp và giá có khi còn cao hơn. Vì thế nhiều năm nay, nhà tôi chuyển sang dùng bò ngoại", chị Thùy Chi chia sẻ.
Cần liên kết lại với nhau thành chuỗi giá trị
TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi VN, chia sẻ: Bản chất của ngành chăn nuôi VN là nhỏ lẻ không đủ sức cạnh tranh nên các hộ, trang trại và doanh nghiệp cần liên kết lại với nhau thành chuỗi giá trị; cũng như liên kết với các đối tác nước ngoài để học hỏi và nâng cao kỹ năng, trình độ của ngành chăn nuôi VN. Chúng ta không còn cách nào khác vì thịt ngoại ngày sẽ càng về nhiều và giá ngày càng cạnh tranh hơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thịt bò nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu đến từ Úc, Mỹ và gần đây thêm Canada, Nhật Bản… Mới đây, tại một sự kiện quảng bá thịt bò Úc, giới chức nước này cho biết: Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm bò sang Việt Nam đạt 160 triệu USD dưới 2 hình thức là sản phẩm sau giết mổ và cả bò sống nguyên con. Việt Nam là thị trường tiềm năng cho sản phẩm bò vì hiện tại mức tiêu thụ thịt bò của người Việt còn thấp, khoảng 10% trong khẩu phần bữa ăn.
Con số này thấp hơn nhiều so với các nước có nền kinh tế phát triển, Việt Nam lại là thị trường tiêu thụ lớn với 100 triệu dân. Việt Nam và Úc cùng là thành viên của Hiệp định CPTPP - thuế giảm dần về 0% và lại có vị trí địa lý tương đối gần nhau nên chi phí vận chuyển thấp đã thúc đẩy thị trường bán lẻ thịt bò Úc tại Việt Nam phát triển.
Một thành viên khác của Hiệp định CPTPP là Canada thời gian gần đây cũng tăng xuất khẩu sản phẩm thịt sang Việt Nam. Thông tin từ Hiệp hội Thịt bò Canada, cho biết: Năm 2021, Canada đã xuất khẩu vào Việt Nam hơn 12.100 tấn, tăng 92% so với năm 2020. Trong những năm gần đây, thị trường Việt Nam luôn tăng trưởng tốt. Việt Nam cũng là 1 trong 2 thị trường nhập khẩu thịt bò Canada lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Người nuôi trong nước lỗ
Thịt bò nội mất chỗ đứng cũng là điều dễ hiểu vì Việt Nam không có lợi thế trong lĩnh vực này và khả năng cung ứng sản phẩm thịt chỉ đạt khoảng 55% nhu cầu, phần còn lại phải dựa vào nhập khẩu. Tuy nhiên, điều đáng nói là dù cung không đủ cầu nhưng người chăn nuôi vẫn lỗ do giá giảm.
Theo bản tin thị trường tháng 4 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đàn bò cả nước trong quý 1/2023 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt đạt 131.000 tấn, tăng 3%. Nhưng ngược lại, tại thời điểm tháng 3 giá bò hơi ở Đồng Nai giảm 5.500 đồng/kg so với tháng trước, xuống còn 75.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, giá bò hơi chỉ còn 72.000 đồng/kg. Với mức giá này, xuống chuồng nông dân lỗ 1.000 đồng/kg. Một con bò thường có trọng lượng 600 kg, tương đương mức lỗ 600.000 đồng. Nhưng điều đáng nói là thương lái ngày càng không thích mua bò nội địa vì cho rằng khó tiêu thụ, lời ít.
Là người trực tiếp chăn nuôi, ông Hoàng Văn Cần, chủ một trang trại lớn ở Đồng Nai, cho biết thương lái rất thích mua các loại bò nhập khẩu ở biên giới về vì có sử dụng chất tạo nạc làm cho thịt đẹp, mông nở, thịt nhiều. Bò nội địa ngay cả giá rẻ hơn vẫn bị chê. Chính vì vậy, để ngành chăn nuôi bò trong nước tồn tại, ông Cần kiến nghị phải giải quyết vấn đề bò nhập khẩu qua đường biên giới có sử dụng chất cấm.
"Đối với góc độ trang trại, chúng tôi đang nỗ lực rất nhiều trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi. Tận dụng các loại phụ phẩm trong ngành trồng trọt để làm thức ăn cho bò nhằm hạ giá thành và tận dụng nguồn thức ăn sẵn có theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển các sản phẩm này thì lại vướng các quy định về vận chuyển chất thải. Đây là trở ngại về các quy định của pháp luật trong việc phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn hiện nay cần được tháo gỡ", ông Cần kiến nghị.
Nhưng bò ngoại rẻ, tiện dụng, chất lượng cao không chỉ khiến ngành nuôi bò trong nước khó khăn. Việc nhiều người thích sử dụng bò ngoại trong giỏ thực phẩm cũng khiến nhu cầu sử dụng thịt heo, gà bị ảnh hưởng. TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhận định: Năm nay, không chỉ heo, gà, bò mà nói chung là cả ngành chăn nuôi đều lỗ.
"Riêng với con bò, chúng ta phải thừa nhận là không có lợi thế nhưng cũng không thể không duy trì và phát triển lĩnh vực này. Vì thế, đầu tiên, nhà nước cần có những chính sách để khuyến khích người dân tham gia vào lĩnh vực này bằng các chính sách về đất đai, vốn, kỹ thuật. Bên cạnh đó là đầu tư phát triển giống bò có năng suất cao và chất lượng thịt tốt", ông Đạt nhấn mạnh.
Bình luận (0)