Giá cà phê robusta trên sàn London mở cửa phiên thứ 2 trong tuần bằng sắc đỏ nhưng gần giữa phiên lại chuyển xanh và duy trì đến khi đóng cửa. Kỳ hạn tháng 7 tăng 34 USD lên 3.433 USD/tấn, kỳ hạn tháng 9 tăng 38 USD lên 3.364 USD/tấn và kỳ hạn tháng 11 tăng 36 USD lên 3.292 USD/tấn.
Giá cà phê arabica trên sàn New York cũng đảo chiều tăng mạnh. Kỳ hạn tháng 7 tăng 105,6 USD lên 4.430 USD/tấn, tháng 9 tăng 102,3 USD lên 4.410 USD/tấn và kỳ hạn tháng 12 tăng 100,1 USD lên 4.390 USD/tấn.
Tại Brazil, giá cà phê arabica cũng tăng mạnh, kỳ hạn tháng 7 tăng 139,7 USD lên 5.520 USD/tấn, kỳ hạn tháng 9 tăng 51,7 USD lên 5.380 USD/tấn và tháng 12 tăng 53,9 USD lên 5.320 USD/tấn.
Giá cà phê Tây nguyên cũng tăng trở lại 1.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Đắk Nông và Đắk Lắk 101.000 đồng/kg, Gia Lai 100.600 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 100.500 đồng/kg.
Theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), trong tháng 4 giá cà phê đạt mức cao kỷ lục và đạt mức cao nhất trong 45 năm qua, nguyên nhân do lo ngại về tình trạng mất mùa ở Việt Nam - nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, sau khi đạt mốc lịch sử trên 4.500 USD, giá cà phê thế giới đã quay đầu giảm cùng lúc với những cơn mưa chuyển mùa rớt xuống trên vùng đất Tây nguyên, khiến nỗi lo về nguồn cung thiếu hụt tạm thời hạ nhiệt.
Số liệu thống kê của Hải Quan Việt Nam cho biết, trong 7 tháng qua của niên vụ cà phê 2023 - 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 3,6 tỉ USD. Những con số trên cho thấy, lượng cà phê tồn kho ở Việt Nam hiện không còn nhiều. Điển hình là tháng 4 vừa qua, lượng xuất khẩu chưa đến 150.000 tấn, thấp nhất trong 4 tháng đầu năm 2024 và chỉ cao hơn 2 tháng đầu niên vụ.
Bình luận (0)