Cổ phiếu ngân hàng tăng giá ầm ầm
Giá cổ phiếu VPBank đã ghi ấn tượng khá mạnh khi tăng liên tục 5 phiên với mức tăng 19,39%, nâng mức tăng trong tháng 4 lên hơn 31%. Với giá giao dịch 58.500 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu nhà băng này đang vượt lên nhóm cao trong lĩnh vực ngân hàng. Cổ phiếu Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (mã chứng khoán LPB) tăng gây kinh ngạc cho giới đầu tư chứng khoán, trong tuần cuối tháng 4 với mức gần 7%, nâng mức tăng giá cổ phiếu LPB trong tháng 4 lên gần 24% và ghi nhận mức tăng gần 70% trong 1 quý. Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái cổ phiếu này tăng 237,7%. Giá cổ phiếu LPB hiện ở mức 21.500 đồng/cổ phiếu thay vì giá 17.500 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 4 và 12.300 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2020.
Mặc dù đang ở trong tình trạng tái cơ cấu, giá cổ phiếu Sacombank thời gian gần đây có mức tăng khá tốt, với mức giá cuối tháng 4 ở 23.900 đồng/cổ phiếu, tăng gần 6,5% chỉ trong tuần cuối tháng 4, tăng 41,42% trong 1 quý và 162,64% trong 1 năm qua. Một số cổ phiếu ngân hàng khác trong 1 quý qua tăng khá mạnh như Techcombank tăng hơn 28,1%, lên 41.000 đồng/cổ phiếu; Vietinbank tăng 33,77%, lên 40.800 đồngh/cổ phiếu; ACB tăng gần 29,3%, lên 34.650 đồng/cổ phiếu; Eximbank tăng 62,9%, lên 24.450 đồng/cổ phiếu; MBB tăng 29,42%, lên 30.350 đồng/cổ phiếu
Của để dành
Ngoài những con số lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh trong quý 1, các thông tin khá tốt dồn dập được công bố từ những nhà băng đã làm cho sóng cổ phiếu đẩy lên cao. Thương vụ VPBank bán 49% cổ phần “con cưng” Fe Credit cho tập đoàn tài chính ngân hàng lớn thứ 3 của Nhật Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) đã thu về số tiền “khủng” 1,4 tỉ USD. Thương vụ này được xem là lớn nhất trong ngành tài chính ngân hàng từ trước đến nay, mang về cho VPBank lợi nhuận sau thuế khoảng 25.000 tỉ đồng.
Chưa hết bất ngờ, VPBank còn tuyên bố sẽ tăng vốn điều lệ lên mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng lên 75.000 tỉ đồng, hơn 3,2 tỉ USD vào năm 2022. Hội đồng quản trị ngân hàng này cho biết VPBank vẫn đang lên kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Với mức room hiện đạt khoảng 22,77%, VPBank cho biết vẫn đang tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài, ưu tiên nhà đầu tư chiến lược để tiếp tục phát hành cổ phiếu, huy động vốn cho ngân hàng, lên kế hoạch thực hiện ngay trong năm nay bằng việc phát hành riêng lẻ hoặc sử dụng lượng cổ phiếu quỹ hiện có 75 triệu cổ phiếu.
Nguồn lợi nhuận để lại những năm qua chưa chia cổ tức cho cổ đông của Sacombank lên gần 6.500 tỉ đồng. Theo đề án tái cơ cấu ngân hàng sau sáp nhập (Ngân hàng Phương Nam) lộ trình đến năm 2025, Sacombank chỉ được thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Thế nhưng ban điều hành nhà băng này cho rằng đề án sẽ thực hiện sớm hơn kế hoạch đề ra vào năm 2022 - 2023 và đặt mức lợi nhuận trước thuế năm 2021 lên 4.000 tỉ đồng. Sacombank đang xin cơ chế để mua lại khoản 32,5% vốn cổ phần mà VAMC đang quản lý, sau đó bán đấu giá với mức 33.000 - 34.000 đồng/cổ phiếu mới đủ để thu đủ vốn, lãi, lãi phạt, cao hơn so với giá cổ phiếu STB đang giao dịch trên thị trường. Ngoài ra, Sacombank có ý định bán cổ phiếu cho đối tác nước ngoài khi có sự đồng ý của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý 1 tốt kèm theo việc khai thác các lĩnh vực kinh doanh khác dự báo mạng đến khoản thu nhập lớn cho các nhà băng. Chẳng hạn, kết quả kinh doanh quý 1 của LPB có lợi nhuận trước thuế tăng 84% so với cùng kỳ, đạt 1.100 tỉ đồng, lợi nhuận thuần tăng gấp 2,33 lần. Một lĩnh vực dự báo sẽ mang lại nguồn thu tốt cho LPB đó là kênh bán bảo hiểm (Bancassurance). Năm 2021 cũng là năm cuối LPB hợp tác độc quyền với Dai-ichi Life Việt Nam, nhà băng này đang lựa chọn đối tác bảo hiểm phù hợp để thực hiện ký kết độc quyền trong thời gian tới.
Thế nhưng trước việc dịch Covid-19 tái phát với những ca lây nhiễm hiện nay, giới phân tích chứng khoán cũng như nhà đầu tư đang có những “tính toán” thị trường khả năng điều chỉnh giảm nên bán ra cổ phiếu đang nắm giữ để chốt lời.
Bình luận (0)