Theo công an, đầu tháng 1.2024, anh M. nhà ở quận phía tây Hà Nội, nhận cuộc gọi điện thoại từ người xưng "công an quận", thông báo ứng dụng VNeID của anh khi cập nhật trên hệ thống của quận bị lỗi khiến không thể thực hiện các giao dịch trên mạng sau này.
Người này cho một số điện thoại và đề nghị anh M. liên hệ tới "anh Hoàng Văn Hưng trực ban của công an quận" để hẹn ngày giờ đến cài đặt lại. Người này còn căn dặn, khi đi anh M. mang theo căn cước công dân và điện thoại thông minh.
Anh M. khẳng định đã đến công an phường làm thủ tục, cài đặt VNeID từ mấy tháng trước ở mức độ 2 và không thấy thông báo sai sót gì. Nhưng người xưng là công an quận nói "đúng là đã cập nhật ở phường, hoàn thành rồi, nhưng lên cấp quận thì bị lỗi". Nguyên nhân có thể do số căn cước công dân của anh không được cập nhật, cần thay đổi.
Nghĩ mình có thể sai sót thật, người lạ kia cũng chưa đòi hỏi gì mình, anh M. đã liên hệ với người tên Hưng (người được cho sẽ cập nhật lại dữ liệu cho mình).
Khi gọi đến, người tên Hưng đề nghị anh M. đến ngay trung tâm dịch vụ hành chính công, lấy số thứ tự để làm. Trường hợp anh M. bận quá không đến được thì có thể cung cấp thông tin để người tên Hưng làm cho nhanh.
Có chút nghi ngờ, anh Minh nói sẽ trực tiếp đến trụ sở công an quận để cập nhật dữ liệu.
Sau đó, một ngày cuối tuần, anh M. đến trụ sở công an quận và được cán bộ trực ban nói đơn vị không có lịch tiếp công dân để cập nhật dữ liệu căn cước công dân. Cả anh M. và công an trực ban đã gọi điện thoại vào số của Hưng, nhưng người này "alo" rồi tắt máy. Đến lúc này, anh M. mới biết bị lừa, may mắn đã không cung cấp thông tin cho kẻ xấu.
Tương tự tại TP.HCM, gần đây cũng xuất hiện thủ đoạn giả danh công an gọi điện thoại hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Nhiều người muốn nhanh chóng, không muốn đến các trụ sở công quyền phiền phức nên đã làm theo chỉ dẫn của các "cán bộ" này.
Nhóm lừa đảo đã gửi các đường link qua tin nhắn Zalo, Facebook... yêu cầu người dân truy cập và cài đặt ứng dụng "VNeID" giả mạo (có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật). Ứng dụng giả này sau đó đòi cấp quyền truy cập mức cao, bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP... Từ đây, nhóm tội phạm sẽ kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng rồi thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại người bị hại và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo Công an TP.HCM, các địa phương đang vận động người dân làm định danh điện tử mức 2 trên phạm vi toàn quốc. Nắm bắt thông tin này, một số người xấu có ý đồ bất chính đã lợi dụng cơ hội để xưng công an mời người dân làm định danh.
Người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (hệ điều hành IOS cho điện thoại iPhone) và CH Play (hệ điều hành Android). Người dân không cài đặt ứng dụng từ nguồn ngoài, từ các đường link lạ; không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại.
"Công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân, không hướng dẫn kích hoạt qua gọi điện thoại. Vì thế người dân cần nâng cao cảnh giác, phòng tránh và tố giác kịp thời với loại tội phạm gọi điện kích ứng dụng VNeID", Công an Q.Tân Phú khuyến cáo.
Bình luận (0)