(TNO) Việc Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai) đã khiến thị trường đất đai ở đây sau một thời gian trầm lắng giờ sôi động hẳn lên, giá đất được các 'cò đất' hét cao từng ngày, từng giờ.
"Người mua đông như trẩy hội"
Xã Long An được xem là điểm nóng của hoạt động buôn bán đất ven sân bay Long Thành. Từ quốc lộ 51 rẽ vào đường khai thác đá (thuộc ấp 3) xuất hiện chi chít những biển quảng cáo bán đất kéo dài suốt tuyến đường.
Bên cạnh đó, lực lượng “cò” hoạt động tấp nập và xuất hiện khá thường xuyên. Thấy ai có ý định tìm mua đất lực lượng này sẽ xuất hiện, tiếp cận giới thiệu bán đất. Phía bên ngoài nhiều xe ô tô mang biển số thành phố nối đuôi nhau chở khách xem đất của những dự án.
Con đường Đinh Bộ Lĩnh thuộc xã Lộc An, nối xã Long An với xã Bình Sơn cũng có nhiều bảng hiệu quảng cáo đất nền ăn theo sân bay Long Thành, với rất nhiều loại giá cả khác nhau. Trên các bảng hiệu được chào mời về những dự án bất động sản khá hấp dẫn như: “Đất nền Long Thành giá chỉ 2,5 triệu m2, đất thổ cư 100% diện tích 5x20 giá từ 120 - 150 triệu…”.
Chị Mỹ Lệ, người dân sống tại đây cho biết: “Lúc trước khi nghe thông tin xây sân bay cũng sốt giá lắm, nhưng một thời gian thì ngưng. Kể từ ngày có chủ trương chính thức xây sân bay trở lại, “cò” đất ở địa phương với ở đâu lại chạy lùng sục khắp nơi để tìm mua đất”.
Anh Huy, người môi giới đất sống tại địa phương giới thiệu cho chúng tôi nhiều mảnh đất mặt tiền đường đang được người dân tại đây rao bán với giá 1,4 tỉ đồng/sào (1 sào bằng 1.000 m2 - PV). Còn những mảnh nằm ở đường nhánh, góc khuất, có đường đi hẹp giá cũng được hét lên đến 500 triệu đồng/sào.
|
Anh Huy cho biết hiện giá đất đang lên mỗi ngày, nếu không mua sớm thì khó lòng mà sau này mua được giá rẻ. “Trong 5 ngày gần đây, khi Quốc hội quyết định cho phép xây dựng sân bay Long Thành, nhiều người ở thành phố xuống đây tìm mua đất đông như trẩy hội. Vì vậy một tuần sau giá cả có thể sẽ tăng cao hơn nữa”, anh Huy nói.
Qua tìm hiểu, mức giá tại thời điểm trước khi có quyết định chính thức của quốc hội chỉ dao động từ 300-400 triệu đồng/sào. Nhưng kể từ ngày 25.6 giá đất ở đây tăng vùn vụt lên đến hơn 1 tỉ đồng/sào.
Để chứng minh cho những lời mình nói, anh Huy chỉ cho chúng tôi xem hai mảnh đất nằm kề nhau nhưng có mức giá bán chênh lệch đến 400 triệu đồng dù chỉ trong một ngày.
“Buổi sáng một người ở thành phố đến mua mảnh đất với diện tích 10x100 m với giá 1,3 tỉ đồng. Nhưng vào giờ chiều mảnh đất cạnh bên được bán với giá 1,7 tỉ đồng rồi, mà diện tích 10x84 m thôi. Thua mảnh đất kia về chiều dài mà giá lại vậy”, anh Huy nói.
Lý giải về việc giá đất tăng chóng mặt, anh Huy phân trần: “Khi biết ở đây đã đồng ý cho xây dựng sân bay mà đất lại nằm bên rìa có vị trí thuận lợi nên nhiều người dân muốn ghim đất lại, chờ tăng giá mới bán. Vả lại nghe đồn con đường này là đường chính vận chuyển hàng hóa vào sân bay, cộng với chuyện nhiều người tìm đến mua nên giá đất cao là phải rồi”.
“Sốt đất” do “cò” thổi giá
Ông Lê Hồng Thanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Long An cho biết cũng có nghe một số thông tin đất kề dự án sân bay Long Thành “sốt” lên sau khi chủ trương xây dựng sân bay được thông qua. Nhưng theo ông Thanh, đất cũng chỉ là nhích lên chút đỉnh và việc này là bình thường. Ở xã Long An, hiện chỉ có khoảng 5-6 người bán, chứ chưa thấy ai bán thêm.
Ông Thanh nói: “Cò, lái ở những địa phương khác đến. Lúc trước đất tại đây khoảng 150 triệu/sào, nhưng cò lại thổi giá đòi mua 180 triệu/sào. Người dân thấy lên quá cũng không có ý định bán. Không thấy người bán mà chỉ thấy người đến thổi giá lên thôi, còn bây giờ giá thật không biết được đâu”.
“Tại xã Long An có 3 dự án đầu tư khu dân cư thương mại của 2 đơn vị tư nhân. Một số khu đã thấy phân lô nhưng vẫn còn để đó, khu khác cỏ mọc um tùm còn bán được hay không tôi chưa nắm rõ”, ông Thanh nói tiếp.
Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn khẳng định không có chuyện sốt giá đất, cũng chỉ nhích một chút. Sau ngày 25.6 xã chưa có ký bất kỳ hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất nào.
Theo ông Tuấn, đất của Bình Sơn là rừng cao su, cũng là nơi giải tỏa trắng nhường đất phục vụ dự án, vị trí không thuận lợi lắm nên khó có chuyện “sốt” đất được.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết việc tăng hay giảm giá của các dự án đều phụ thuộc vào sự “hưng vong” của dự án.
“Việc tăng giá này cũng giống như cách đây 3-4 năm, thông tin dời trung tâm hành chính Hà Nội chuyển hướng về phía tây khiến đất trên trục đường Thăng Long tăng giá từng ngày, từng giờ. Sau đó chủ trương không thực hiện được khiến đất ở đây lại tuột từng giờ, từng ngày. Hay như mới đây dự án tuyến Metro số 1 đang xây dựng khiến giá đất ở Thủ Thiêm, quận 2, Bình Thạnh sôi động hơn cả khu vực Phú Mỹ Hưng, quận 7”, ông Đực nói.
Theo ông Đực, với những dự án siêu lớn như đời trung tâm hành chính Hà Nội, sân bay Long Thành hay dự án Metro đều có hiệu ứng cực kỳ lớn và sôi động. Nhà đầu tư hiểu điều nay và chấp nhận đánh cược để bỏ tiền đầu tư. Riêng với dự án sân bay Long Thành, nhà đầu tư đã yên tâm hơn khi chủ trương xây dựng được Quốc hội thông qua.
Liệu giá đất ở có tăng bền vững hay không, ông Đực nói: “Điều này phụ thuộc về khả năng đầu tư, thi công của dự án. Nếu dự án chậm trễ, thiếu vốn thì giá đất sẽ giảm theo cũng là điều bình thường”.
Bình luận (0)