Giá đất “lên đồng” khắp nơi: Cảnh báo sập bẫy đầu nậu

04/04/2021 06:43 GMT+7

Trước tình trạng sốt ảo , nhiều địa phương đã chính thức lên tiếng chấn chỉnh nhằm cắt cơn “lên đồng” phi lý của giá bất động sản.

Bộ, ngành, địa phương vào cuộc

Mới nhất có lẽ là Đà Nẵng, không chỉ công bố rõ mức tăng giá đất, địa chỉ tăng, số lượng giao dịch khác với các thông tin được tung ra, chính quyền TP này cũng khuyến cáo người dân để tránh “sập bẫy” giới cò, đầu nậu đang cố gắng ra hàng.
Theo Bộ TN-MT, các địa phương cần có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Tại H.Hớn Quản (Bình Phước), UBND huyện đã ra văn bản cảnh báo và chỉ rõ đang có nhiều đối tượng đầu cơ, môi giới đất đai trong và ngoài tỉnh tụ tập đông người, đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá thực tế dẫn đến nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. UBND H.Hớn Quản đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn và khuyến cáo người dân cảnh giác, cân nhắc kỹ trước khi giao dịch mua bán đất.
UBND tỉnh Bắc Ninh mới đây chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra 6 dự án bất động sản (BĐS) phân lô bán nền trái phép khi chưa đủ điều kiện, tạo sốt đất. Nội dung kiểm tra trình tự, thủ tục thực hiện đấu giá, xác định giá khởi điểm để đấu giá, quyền sử dụng đất; việc huy động vốn, góp vốn, đặt cọc, kinh doanh hạ tầng, hoạt động kinh doanh BĐS, việc đăng tin, quảng cáo, rao bán... tại 6 dự án trên địa bàn.
Trước đó, ngày 26.3, UBND tỉnh Hà Nam cũng ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam giao các ban ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện, tham mưu, xử lý nghiêm các hành vi giao dịch, kinh doanh các sản phẩm BĐS khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật…
Không chỉ các địa phương, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT cũng đã gửi văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án BĐS, nhất là BĐS hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa BĐS vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án BĐS phải đủ các điều kiện theo quy định pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, kinh doanh BĐS; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới BĐS. Bên cạnh đó, 2 bộ này cũng yêu cầu công bố công khai thông tin về quy hoạch hạ tầng, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá đất lên cao; và có biện pháp quản lý sau quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Bộ TN-MT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá BĐS; xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định pháp luật…

Cò đất tập trung thổi giá đất tại H.Hớn Quản (Bình Phước) ăn theo thông tin sân bay Técnic

Ảnh: Đình Sơn

Xử lý nghiêm cán bộ tham gia “thổi” giá đất

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng để cắt cơn sốt đất trên quy mô cả nước, Hà Nội và TP.HCM phải đặt việc cắt sốt đất là nhiệm vụ trọng tâm để cơn sốt này không lan ra toàn thị trường. Các cơn sốt đất ở các địa phương khác chỉ còn mang tính thời điểm và cục bộ. Bên cạnh đó, với mỗi địa phương, việc cắt cơn sốt đất có thể thực hiện bằng 3 việc: tạm dừng việc cho chuyển mục đích sử dụng đất vì quy hoạch kỳ tới chưa được phê duyệt; giải tán các chợ cóc BĐS do giới cò đất lập ra; đề nghị báo chí vào cuộc để đăng tải những thông tin chính xác về tình trạng quy hoạch, những rủi ro gặp phải... nhằm không để hình thành hiệu ứng đám đông. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạm thời không cung cấp tín dụng cho kinh doanh BĐS, nhằm ngăn chặn tình trạng nổ bong bóng BĐS gây ra khủng hoảng tài chính.
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Trường Phát, một công cụ nữa là bộ máy quản lý của nhà nước. Ở địa phương nào mà cả hệ thống vào cuộc xử lý thì hiệu quả rất cao như tại TP.HCM vào năm 2017, một số nơi chính quyền đặt bảng cảnh báo ngay tại các khu đất sốt, nên TP.HCM có sốt đất nhưng không cao và trị được ngay. “Có trường hợp ở những nơi sốt đất, một số cán bộ ở cơ sở thường tham gia vào các giao dịch, cơn sốt đất để trục lợi, từ đó đẩy giá đất lên cao chóng mặt. Cần phải nghiêm trị các trường hợp này”, ông Dũng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.