'Thuốc' nào cắt cơn sốt đất?

03/04/2021 06:49 GMT+7

Để cắt cơn sốt đất, theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, nhiều nước phát triển đã sử dụng thuế chuyển quyền theo lũy tiến ở mức cao vào những trường hợp mua nhanh, bán nhanh mang tính lướt sóng.

Họ cũng có sắc thuế riêng đánh vào giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư của người khác mang lại. Hiện hệ thống thuế bất động sản (BĐS) ở Việt Nam chưa được đổi mới nên chưa thể dùng công cụ thuế để cắt sốt đất.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu đưa ra các giải pháp cắt cơn sốt đất ảo, chống đầu cơ. Trong đó, giải pháp đầu tiên là công cụ thuế bằng cách đánh thuế thật nặng vào những giao dịch BĐS ngay khi mới mua đã chuyển nhượng, lướt sóng. Theo ông Châu, giao dịch lướt sóng mua nhanh, bán thu lời nhanh các nước sử dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí của các nhà đầu cơ. Khi đó các nhà đầu cơ thấy lướt sóng không có lợi vì thuế cao quá sẽ nản lòng không dám bơm thổi giá đất.
“Trong năm đầu tiên, thậm chí trong 6 tháng nếu có giao dịch sẽ đánh thuế thật nặng. Những năm tiếp theo nếu chuyển nhượng thấp dần, thường đến năm thứ 3 chuyển nhượng thuế suất mới về mức bình thường”, ông Châu đề xuất và nêu thêm giải pháp thứ hai là đánh thuế đối với những người sở hữu nhiều đất đai, nhiều nhà ở. Giải pháp thứ ba trong công cụ về thuế là đánh thuế cao đối với những trường hợp ghim đất không đưa vào sử dụng, mua đất nhiều mà để hoang hóa.
Theo ông Châu, một công cụ khác là về tín dụng. Hiện một người có 30% giá trị BĐS thường được ngân hàng cho vay 70% còn lại để mua nhà đất. Nhưng với chính sách này, người có 1 tỉ đồng có thể đầu tư lướt sóng 3 BĐS cùng một lúc khi họ có thể vay thêm 2,1 tỉ đồng để đầu tư vào 3 BĐS cùng lúc, trong điều kiện BĐS đó có giá khoảng 1 tỉ đồng/lô. Tuy nhiên, trong trường hợp nguy cơ “bong bóng BĐS”, các nước giảm tỷ lệ cho vay xuống còn 50%, hay như lúc “nguy cấp” như một số nước mức cho vay chỉ được tối đa không quá 35%.
“Hiện nay có một khó khăn là thuế suất do Quốc hội quy định chứ không phải Chính phủ. Vì thế, công cụ thuế thì nên giao cho Chính phủ để điều chỉnh kịp thời và Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ lệ cho vay đối với những nơi “sốt xình xịch” BĐS”, ông Châu nói.
Một điều nữa là cần công bố công khai lộ trình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình phát triển nhà ở từng năm một, phát triển đô thị... để người dân, nhà đầu tư hiểu. Thời gian qua, cơ quan chức năng “chạy theo đuôi” nhà đầu tư là chính chứ không phải dùng chính sách để điều tiết.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng nếu không sớm cắt cơn sốt đất nền, có thể sẽ lan sang các mặt hàng BĐS khác. Về góc độ tài chính, TS Nghĩa nhận định nhà nước cân nhắc thêm những gói kích thích kinh tế cho ngành sản xuất sau khi dịch bệnh dần ổn định để thu hút vốn sang dần. Người dân thấy sản xuất phục hồi, thêm kênh đầu tư sinh lời tốt, sẽ cân nhắc dồn tiền vào mua đất nền. Bên cạnh đó, các ngân hàng nên có thái độ dứt khoát hơn trong việc hỗ trợ vay vốn, khoanh nợ... cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là mảng sản xuất, xuất khẩu. Việc này cũng góp phần cắt bớt dòng tiền BĐS, giảm sốt đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.