Là vùng nông thôn nằm khá xa trung tâm huyện nhưng phiên đấu giá 92 lô đất ở xã Hưng Thông (H.Hưng Nguyên, Nghệ An) vào giữa tháng 7 vừa qua có hơn 1.000 hồ sơ tham gia. Kết quả đấu giá đạt 150 tỉ đồng, cao gần gấp 3 lần so với giá khởi điểm và chỉ có 2 lô thuộc về người dân sinh sống tại địa phương. Tương tự, phiên đấu giá 108 lô đất tại Xuân Lâm (H.Nam Đàn, Nghệ An) có hơn 1.100 hồ sơ tham gia đấu, kết quả chỉ có 7 lô thuộc về người dân trong xã. Sau phiên đấu giá, những người trúng đấu giá đã treo biển để sang nhượng các lô đất vừa đấu trúng với giá chênh lệch 100 triệu đồng/lô.
Tại xã thuần nông Khánh Thành (H.Yên Thành, Nghệ An) tháng 6 vừa qua, có 20 lô đất ở được đưa ra đấu giá. Mặc dù các lô đất được quy hoạch ở vị trí không thuận lợi để kinh doanh mà chỉ phù hợp làm nhà ở, nhưng kết quả giá bán cao gấp hơn 2 lần giá khởi điểm. Lô đất giá hơn 1,1 tỉ đồng được đấu lên 2,4 tỉ đồng và người trúng đấu giá đều là người ở các huyện khác. Ngay sau khi trúng đấu giá, những lô đất này được rao bán với giá chênh lệch 100 - 150 triệu đồng/lô.
Giá đất bị đẩy lên quá cao đã khiến người dân địa phương choáng váng vì không thể tiếp cận dù nhiều người đang có nhu cầu mua đất làm nhà ở.
Theo Nghị định số 10 năm 2023, thời gian hoàn thành nghĩa vụ tài chính sau đấu giá tối đa lên tới 4 tháng. Thời gian khá dài nên giới đầu cơ có cơ hội rao bán sang tay và nếu không bán được có thể sẽ bỏ cọc. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Đấu giá tài sản đã được Quốc hội thông qua, trong đó mức tiền cọc để đấu giá đất là 10 - 20% giá khởi điểm, thay cho 5% trước đó. Tuy nhiên, xem ra mức tăng tiền đặt cọc này vẫn chưa phải là liều thuốc tốt để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thao túng thị trường khi thời gian hoàn thành nghĩa vụ tài chính vẫn còn quá dài và các chế tài xử lý người bỏ cọc vẫn chưa đủ mạnh.
Bình luận (0)