Ông nói: "Một trong các khó khăn cơ bản hiện nay khiến cho nhiều dự án kinh tế bị "đứng bóng" là do không xác định được giá đất". Mà không xác định được giá đất thì doanh nghiệp, chủ đầu tư không biết đâu mà nộp tiền thuê đất cho nhà nước, khiến dự án dù được chấp thuận đầu tư nhưng chưa được bàn giao đất để triển khai.
Tại Bình Thuận, trong năm 2023, có tới gần 400 dự án phải xác định giá đất cụ thể để chủ đầu tư nộp tiền đất, nhưng tới nay chưa làm được dự án nào dù đã sang tháng 7. Theo Chủ tịch Bình Thuận, nếu không tháo được "nút thắt" này thì khó lòng có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án có liên quan đất đai đang trì trệ.
Chính vì lý do trên mà thời gian qua, Bình Thuận đã xuất hiện tình trạng "tạm tính" giá đất để cho doanh nghiệp nộp tiền đất vào ngân sách. Nhưng trong phần phát biểu của mình tại kỳ họp HĐND tỉnh nêu trên, ông Đoàn Anh Dũng đã khẳng định cách làm này "không đúng với các quy định của pháp luật".
Nhìn rộng ra, qua nhiều thông tin tương tự mà Báo Thanh Niên đã đăng tải cho thấy đây là tồn đọng rất lớn đang cần tháo gỡ, không riêng ở Bình Thuận. Việc xác định giá đất hiện nay thiếu các định khung về pháp lý, khiến cho các cơ quan chuyên môn "ngại" vì từng xuất hiện rủi ro trong quá trình thực hiện. Và phương pháp này không chỉ riêng Bình Thuận từng "vướng" phải khi nôn nóng cho các dự án, nhất là dự án bất động sản du lịch triển khai nhanh để tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương.
Người viết rất chia sẻ với ý kiến của ông Dũng khi ông đưa ra cảnh báo cho các cơ quan chức năng ở tỉnh Bình Thuận: "Phải quyết liệt, sửa ngay nếu không, các cơ quan chức năng vào kiểm tra thì chúng ta lại bị xử lý...".
Nhưng để làm được "điều đúng", các cơ quan giúp việc của tỉnh Bình Thuận phải quyết liệt, tâm huyết, khẩn trương và linh hoạt, nêu cao trách nhiệm công vụ trong tháo gỡ thủ tục hành chính về đất đai cho người dân và doanh nghiệp. Bởi tháo "nút thắt" về đất đai cho chủ đầu tư một cách đúng pháp luật, cũng là vì sự phát triển chung và phát triển bền vững của địa phương.
Bình luận (0)