Giá dầu có thể đã chạm đáy vì sản lượng thế giới bắt đầu hạ, còn sự trở lại của Iran trong thị trường dầu mỏ thì không như kỳ vọng ban đầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết giá dầu có thể đã thoát đáy - Ảnh: Reuters |
Theo CNN, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 11.3 cho hay giá dầu “đã hồi phục đáng kể” trong những tuần gần đây vì nguồn cung từ Iraq, Nigeria và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) giảm, và có dấu hiệu cho thấy nguồn cung từ các nước ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang hạ nhanh hơn dự báo.
“Có những dấu hiệu cho thấy giá dầu có thể đã thoát đáy”, IEA viết trong báo cáo mới nhất. Dầu thô tại Mỹ đang giao dịch ở mức 39 USD/thùng, tăng 50% so với mức đáy tháng 2 là 26 USD/thùng.
IEA cho hay giờ đây có nhiều tín hiệu rõ ràng thể hiện rằng các lực lượng thị trường có tác động tốt và những nhà sản xuất với chi phí cao hơn đang cắt giảm sản xuất. Đây là tin tốt với các nước thành viên OPEC, vì điều này đồng nghĩa với việc chiến lược bất chấp giá thấp, không giảm sản lượng để gây sức ép lên các đối thủ của họ đã đem lại kết quả.
IEA kỳ vọng sản xuất của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 750.000 thùng/ngày trong năm nay, nhiều hơn 25% so với dự báo đưa ra trước đó.
Tháng 2 vừa qua có 106 giàn khoan dầu ở Mỹ ngừng hoạt động, đưa tổng số giàn khoan còn tiếp tục bơm dầu xuống bằng 76% so với mức cao nhất hồi tháng 12.2014. Brazil, Colombia, Trung Quốc và Kazakhstan cũng hạ kế hoạch sản xuất trong tháng này.
Ngoài ra, chuyện Iran quay trở lại thị trường dầu mỏ có thể ít “kịch tính” hơn so với dự báo ban đầu. Quốc gia Trung Đông kỳ vọng sản xuất thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày ngay sau khi được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế, song số liệu của IEA cho thấy sản lượng chỉ tăng thêm 220.000 thùng/ngày hồi tháng 2.
Giá dầu trong tháng trước còn được hỗ trợ bởi thông tin các nhà sản xuất lớn sẽ hợp tác để giảm hoặc đóng băng sản lượng. Ả Rập Xê Út và Nga đồng thuận đóng băng hạn ngạch ở mức tháng 1 nếu các nhà sản xuất khác cũng làm tương tự. Tin đồn về một thỏa thuận khác lớn hơn đã và đang xuất hiện, nhưng IEA cho hay “khó có khả năng thỏa thuận trên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cân bằng cung - cầu”.
Tuy vậy, IEA vẫn thận trọng khi cảnh báo rằng mức tăng của giá dầu thời gian gần đây không nên được xem như là tín hiệu cho thấy “những điều tồi tệ nhất đã qua hẳn”, vì tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới vẫn sẽ chậm lại trong năm 2016. Nhu cầu bị áp lực bởi sự thiếu chắc chắn của kinh tế thế giới, tăng trưởng chậm của Trung Quốc và đô la Mỹ mạnh hơn.
Bình luận (0)