Giá điện bình quân tăng gần 5%

Nguyên Nga
Nguyên Nga
12/10/2024 06:07 GMT+7

Hôm qua 11.10, Bộ Công thương ra quyết định cho tăng giá điện bình quân thêm 4,8% so với mức giá hiện hành.

Chi phí sản xuất tăng gần 2,8%, giá điện tăng 4,8%

Chiều 11.10, Bộ Công thương ban hành Quyết định 2699 quy định về giá bán điện, trong đó, ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện. Cụ thể, từ ngày 11.10, tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Cùng ngày, Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực VN (EVN) cũng có Quyết định số 1046 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103 đồng/kWh, mức tăng tương đương 4,8% so với giá bán lẻ bình quân hiện hành.

Giá điện bình quân tăng gần 5%- Ảnh 1.

Giá điện bình quân tăng 4,8% từ ngày 11.10.2024

ẢNH: H.H

Dự báo lạm phát trong năm nay vẫn dao động từ 3,8 - 4,1%. Trong tháng 10, nhiều nhóm hàng hóa có dấu hiệu giảm giá, nên giá điện tăng trong thời điểm này không đáng lo ngại. Nhưng với mức lỗ của EVN đang gánh hiện nay, tăng giá điện 2 tháng cuối năm vẫn chưa thể nào bù lại được. Vấn đề là sau trận bão lũ vừa qua ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp tại các tỉnh phía bắc, dự báo GDP có thể bị giảm khoảng 0,18 - 0,2%. Tăng giá lúc này lại là một gánh nặng cho họ.

Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Trước đó, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN do Bộ Công thương công bố cho thấy giá thành sản xuất một kWh điện là 2.088,9 đồng (tăng gần 2,8% so với năm trước), trong khi giá bán điện bình quân năm 2023 là 1.953 đồng/kWh. Giá thành sản xuất cao hơn giá bán gần 136 đồng/kWh, tương đương cao hơn 6,92%.

Theo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất điện năm 2023, các chi phí nói trên trong năm 2023 tăng hơn 35.000 tỉ đồng, tương ứng tăng 7,16% so với năm trước, được lý giải chủ yếu do tăng chi phí phát điện (tăng 29.112 tỉ đồng) so với năm trước, trong khi các chi phí khác có tăng nhưng không lớn.

Báo cáo của EVN và quá trình kiểm tra của đoàn liên ngành cũng cho thấy giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện gồm than, dầu, khí và cả tỷ giá ngoại tệ đều tăng do ảnh hưởng giá thế giới, biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi. Tức là nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao. Trong đó, nguồn nhiệt điện than tăng 26,92 tỉ kWh (tăng 29,67%); điện gió tăng trưởng mạnh với 26,25%; nhiệt điện dầu tăng 0,35 tỉ kWh; điện nhập khẩu tăng 0,45 tỉ kWh (tăng 26,42%); trong khi thủy điện giảm 16,8%.

Tất cả những yếu tố trên khiến giá thành sản xuất điện chênh lệch so với giá bán. Thế nên, kết quả kinh doanh năm 2023 của EVN lỗ hơn 34.000 tỉ đồng. Sau khi trừ các khoản thu nhập khác, khoản lỗ năm 2023 của EVN ghi nhận lên đến 21.821 tỉ đồng.

Chuyên gia về giá, Chủ tịch Hội thẩm định giá Nguyễn Tiến Thỏa nhận xét, tình trạng mua cao, bán thấp vì đầu vào theo giá thị trường, nhưng đầu ra thì không theo thị trường, tức là các chi phí chưa được tính đúng, tính đủ, hợp lý trong quá trình sản xuất kinh doanh điện. Ông nhấn mạnh yếu tố đầu vào sản xuất điện hiện nay như than, khí, dầu… EVN phải đi mua nên nằm ngoài tầm tay của tập đoàn. Trong khi đó, việc tính giá điện hiện nay vẫn mang màu sắc "bao cấp", bù chéo, sự phân định để áp giá điện phục vụ các mục tiêu khác nhau chưa rạch ròi. Thế nên, giá bán điện còn có sự méo mó, chưa được hạch toán đầy đủ giữa chi phí đầu vào và giá bán ra.

"Nguyên tắc tối thượng của điều hành giá điện là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ đã được tính đúng, tính đủ. Nếu làm được điều này thì không có hệ quả lỗ của ngành điện, không có việc lỗ để bao cấp cho nền kinh tế", ông Thỏa khẳng định và cho rằng Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã yêu cầu áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, trong đó có giá điện. Thế nên, phải xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm cho giá điện minh bạch theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, Chính phủ đã có quy định căn cứ đầu vào thay đổi bao nhiêu trong khoảng 3 tháng thì EVN được phép điều chỉnh giá điện bao nhiêu phần trăm...

Cải cách cách tính giá điện

Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc tăng giá điện là điều "một sớm một chiều", không thể không thực hiện. Với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân 4,8%, giá cả hàng hóa trong quý cuối năm không bị ảnh hưởng đáng kể. "Dự báo lạm phát trong năm nay vẫn dao động từ 3,8 - 4,1%. Trong tháng 10, nhiều nhóm hàng hóa có dấu hiệu giảm giá, nên giá điện tăng trong thời điểm này không đáng lo ngại. Nhưng với mức lỗ của EVN đang gánh hiện nay, tăng giá điện 2 tháng cuối năm vẫn chưa thể nào bù lại được. Vấn đề là sau trận bão lũ vừa qua ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp tại các tỉnh phía bắc, dự báo GDP có thể bị giảm khoảng 0,18 - 0,2%. Tăng giá lúc này lại là một gánh nặng cho họ", ông Thịnh băn khoăn.

Nhưng một yếu tố vẫn gây tranh cãi lâu nay, đó là bù chéo trong giá điện. Tại buổi tọa đàm "Giá thành điện - thực trạng và giải pháp" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, các đại biểu cũng cho rằng giá điện đang xây dựng có lợi cho một nhóm đối tượng nhưng gây thiệt hại cho nhóm khác. Cụ thể, người dùng điện nhiều phải gánh giá điện cho người dùng ít, qua chính sách an sinh xã hội, giá bán điện cho hộ nghèo thấp hơn giá điện bình quân… Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh để hài hòa lợi ích giữa ba bên, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng thì phải phối hợp các nhóm chính sách chứ không thể thông qua việc xác định giá điện mà hài hòa hóa lợi ích các bên.

Nhiều chuyên gia cho rằng với việc duy trì một cơ chế giá bán điện có sự trợ giá, bù lỗ thì EVN sẽ tiếp tục lỗ về lâu dài và không có đủ nguồn lực để đầu tư các dự án lớn. Từ đó, kiến nghị cần phải cải cách cách tính giá điện càng sớm càng tốt.

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, việc điều chỉnh giá điện lần này bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2023 cả nước có 815.000 hộ nghèo nói chung và các hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7.4.2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Nam, cả nước có 17,4 triệu hộ sử dụng dưới 200 kWh/tháng, chiếm 61,35% khách hàng của EVN và với mức tăng 4,8% thì số tiền điện phải trả thêm của các hộ là 13.800 đồng/tháng.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.