Trả lời câu hỏi này, ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, qua báo cáo của tổ công tác liên ngành do Bộ Công thương thành lập (có sự tham gia của Bộ Tài chính, Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Lao động - thương binh - xã hội, VCCI, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) kiểm tra chi phí sản xuất giá thành năm 2022, khoản lỗ của tập đoàn năm 2022 lên hơn 26.000 tỉ đồng. Đầu năm 2022, tập đoàn cũng đã có dự báo là năm khó khăn trong việc cân đối tài chính. Chi phí lớn nhất của tập đoàn là mua điện, chiếm 82% giá thành điện. Năm 2022 cũng là năm tăng đột biến nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, năm 2020, mua một tấn than khoảng 60 USD, năm 2021 lên 137 USD (tăng hơn gấp 2 lần so với 2020). Đến năm 2022, chi phí trung bình của một tấn than lên 384 USD. Như vậy, so với năm 2020 tăng hơn 6 lần, so với năm 2021 tăng khoảng 3 lần.
Dự báo sự tăng đột biến của giá nhiên liệu như vậy, tập đoàn đã đưa ra một loạt các giải pháp giảm bớt những khó khăn, mất cân bằng về tài chính. Đơn cử, đơn vị trong ngành tiết giảm chi phí thường xuyên dưới 10%/năm so với quy định; giãn công trình đầu tư xây dựng, công trình lưới điện… đến 30% để giảm chi phí đầu vào. Đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh khác, triệt để đấu thầu qua mạng, mua sắm chi phí thấp nhất qua mời chào cạnh tranh. Ngoài ra, năm 2022 cũng có thuận lợi cơ bản là năm thủy văn tốt nhất trong lịch sử. Riêng thủy điện khai thác được hơn 14 tỉ kWh so với kế hoạch ban đầu mà Bộ Công thương ban hành. Chính vì những giải pháp trên mà mất cân đối tài chính giảm xuống còn 26.000 tỉ đồng.
Tại sao ngành điện không chờ đến mùa mưa, dùng ít điện hãy tăng giá?
Với câu hỏi trên, ông Lâm phân tích : Ngày 4.3.2023, giá được điều chỉnh 3%. Với doanh thu dự báo như năm nay dự kiến tăng thêm được 8.000 tỉ đồng so với mất cân đối năm ngoái là 26.000 tỉ đồng. Như vậy vẫn còn 18.000 tỉ đồng còn treo ở đấy. Do thiếu nguồn lực nên việc chênh lệch do tỷ giá trong những năm qua cũng chưa thanh toán cho các chủ đầu tư dự án.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, giá nguyên vật liệu có giảm chút, như than nhập khẩu từ Indonesia bằng 87% so với năm ngoái. Dự báo trong năm 2023 sẽ còn tiếp tục có những khó khăn nên ngành điện tiếp tục bám sát tình hình diễn biến của giá nguyên liệu đầu vào, huy động nguồn điện một cách hợp lý hơn, giảm bớt chi phí mua điện đầu vào. Tiếp tục thực hiện giảm chi phí 10%, tiếp tục rà soát các công trình chưa thật cấp bách thì giãn nhiều hơn, không chỉ 30% mà có thể lên 50% việc sửa chữa công trình điện nhằm giảm chi phí cho việc mua điện. Đồng thời thực hiện một loạt các biện pháp tăng cường tiết kiệm chi phí điện, đầu tư xây dựng cũng là một giải pháp.
Ông Võ Quang Lâm chia sẻ thêm, theo Quyết định 24 của Thủ tướng, việc tập đoàn thường xuyên rà soát chi phí đầu vào hàng quý và báo cáo Bộ Công thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước để nắm thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Theo Quyết định 24, điều chỉnh giá điện chỉ được thực hiện 6 tháng một lần và phải được sự chấp thuận của các cấp thẩm quyền cho phép. Việc tăng giá điện dựa trên cơ sở là những chi phí mà cơ quan chức năng rà soát và kiểm soát.
"Chúng tôi ý thức được rằng, khó khăn của tập đoàn cũng là khó khăn chung của các doanh nghiêp, người dân. Chính vì vậy, bất cứ một sự thay đổi nào cũng phải hài hòa lợi ích giữa tập đoàn, người dân, doanh nghiệp. Chính vì thế, tập đoàn vận hành những gì tối ưu nhất, hiệu quả nhất để có điện cho sinh hoạt, sản xuất với mức giá hợp lý nhất", ông Võ Quang Lâm cho hay.
Về cơ bản, câu hỏi giá điện còn tăng nữa không vẫn bỏ ngỏ bởi khoản lỗ của EVN còn treo lơ lửng.
Bình luận (0)