Gia đình tôi hồi ấy nghèo lắm. Cha tôi dạy học thời bao cấp, đồng lương thấp, cha phải nuôi 6 miệng ăn vì mẹ tôi không có nghề nghiệp gì ổn định. Cha tôi kể, chiếc xe đạp ông làm phương tiện để đi dạy đến vỏ xe đạp “banh ta lông” mà không có tiền thay vỏ. Ông lấy ruột xe quấn vào chỗ “banh ta lông” chạy đỡ. Lương hằng tháng phải lĩnh “nhu yếu phẩm”. Cuối cùng, không “cầm cự” nổi ông đành bỏ dạy.
Để nuôi cả gia đình, ông làm đủ thứ nghề. Mùa nào nghề ấy. Từ nhổ mạ đến cấy lúa rồi làm cỏ, cắt lúa. Hết mùa vụ ông đi lên các tỉnh miền Đông Nam bộ làm thuê. Cứ vậy, hết mùa này sang mùa khác. Cuộc sống như một vòng “luẩn quẩn” tưởng chừng trở nên đơn điệu. Nhưng chưa bao giờ, ông tỏ ra bất mãn hay chán chường.
tin liên quan
Bí mật từ hai cha con giáo sư hạnh phúcMỗi lần có những chuyến đi làm thuê xa về, ông thường gọi tôi lại răn dạy. Ông nói, tôi là anh cả như cánh chim bay đầu đàn nếu con chim đầu đàn bay lạc hướng thì cả đàn cũng bay lạc hướng theo. Câu nói ấy, ông lặp đi lặp lại với tôi rất nhiều lần. Ban đầu, tôi không hiểu ngụ ý câu nói ấy là gì. Khi lớn lên, tôi hay ngồi ngắm hoàng hôn và thường bắt gặp những đàn chim bay về tổ ấm. Tôi quan sát, và dần dần hiểu câu nói của cha.
Cuộc sống cứ trôi đi và không phải mọi thứ đều êm xuôi. Khi tôi và thằng em thứ 2 học hết lớp 12, cánh cửa đại học mở ra nhưng gánh nặng lại đè lên vai ông. Ông chạy đôn chạy đáo vay tiền cho anh em tôi đi thi. Nhưng ông vẫn lạc quan, tin tưởng vào anh em chúng tôi có một ngày thành đạt.
Thế rồi, tôi vào đại học, em tôi vào cao đẳng, đều là ngành sư phạm. Chúng tôi chọn học tại tỉnh nhà. Để bớt gánh nặng cho ông, anh em tôi vừa học vừa làm. Chúng tôi ra trường, ngày nhận nhiệm sở của anh em tôi, ông thở phào nói: “Có hai cánh chim bay đúng hướng, còn hai cánh chim cũng sẽ thấy hướng mà bay theo”!
Hai em còn lại của tôi đang theo học một trường nghề cũng là lúc ông ngã bệnh. Bốn tháng cha nằm trên giường bệnh 4 anh em tôi thay phiên nhau túc trực. Những cơn đau liên tục hành hạ ông, mỗi lần như vậy là anh em tôi chỉ biết nhìn nhau rơi nước mắt. Ông cả đời hy sinh cho anh em chúng tôi, khi anh em tôi thành đạt cũng là lúc ông “trở về với cát bụi”...
Đến nay, cha tôi mất đã gần 5 năm. Bốn anh em tôi giờ có cuộc sống ổn định. “Gia tài” ông để lại cho anh em chúng tôi là kiến thức, là cách làm người, là cách đối nhân xử thế. Với riêng tôi, “cánh chim đầu đàn” theo cách gọi của ông, vẫn luôn tự răn mình ngày nào cũng “bay đúng hướng”.
Bình luận (0)