Gia đình dấu yêu: Những cái ôm

Thúy Hằng
Thúy Hằng
04/08/2019 11:39 GMT+7

Khi một diễn giả lớp học làm cha mẹ hỏi chúng tôi, anh chị có nhớ lần gần đây nhất mình ôm người bạn đời; hoặc ôm ấp, âu yếm những đứa con của mình, là khi nào? Dưới lớp, chúng tôi thật sự bối rối.

Rất nhiều cha mẹ thú nhận đã rất lâu rồi họ không ôm con của mình. Và họ cũng nhớ không nhầm, từ rất lâu, họ không còn thói quen ôm chồng/vợ của mình vào mỗi buổi sáng trước khi ra khỏi nhà, hoặc buổi tối, khi trở về mái ấm.
“Vậy thì lần gần nhất, anh chị nắm tay, yên lặng, nhìn vào mắt người bạn đời của mình, hay các con, là khi nào?”, vị diễn giả hỏi thêm.
Phía dưới lao xao, “những lúc ấy, chúng em mải nhìn vào điện thoại, Facebook hết rồi ạ”. Chiếc màn hình cảm ứng, cầm gọn trong lòng bàn tay, càng ngày càng có sức hút mãnh liệt, nó phân chia hai người bạn đời về hai phía của chiếc giường, quay lưng về phía nhau, không ai nói với ai câu gì, không ai có thời gian nhìn vào mắt nhau, họ nhìn vào những cuộc tranh luận đang sôi nổi trên thế giới ảo.
Một lần tham gia buổi thảo luận chủ đề Cùng con hạnh phúc tại một trường học ở TP.HCM, tôi nhớ rất rõ những chia sẻ của tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương, tác giả bộ sách Dạy con trong hoang mang, anh cho hay khi một người ôm và được ôm, trong cơ thể sẽ tiết ra một chất gọi là Oxytocine, chất dẫn truyền thần kinh quan trọng giúp cơ thể có cảm giác hạnh phúc. Như vậy, để chính mình hạnh phúc, và mang hạnh phúc ấy tới những người bên mình, thật là đơn giản, mỗi ngày hãy ôm những người thân yêu của mình.
Một phụ huynh hỏi tiến sĩ Phương, liệu con trai chị suốt ngày ôm ba mẹ, và chị cũng một ngày ôm con nhiều lần, liệu con có trở nên yếu đuối, ủy mị hay không, vị tiến sĩ cười: “Tôi đã trở thành một người yếu đuối và ủy mị, chỉ vì hồi bé mẹ tôi ôm tôi ít quá. Các cha mẹ hãy ôm con đi, kẻo một lúc nào đó sẽ hối tiếc, khi các con lớn rồi, chúng không còn để cho mẹ cha ôm trong vòng tay như ngày nhỏ nữa”.
Chúng ta, những người làm cha mẹ trong kỷ nguyên số, luôn âu lo về thể chất của con mình, có cao lớn bằng con nhà người ta, hay học giỏi, nhiều học bổng như con nhà người ta hay không. Còn con liệu có hạnh phúc, thì nhiều cha mẹ chưa quan tâm tới. Mang hạnh phúc cho con, đơn giản, nhiều khi chỉ là một cái ôm, trong im lặng, để con được vỗ về và chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.