Bọn trẻ đang nôn nao chờ tết mà đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp lời nhắc nhở của bố mẹ “Học bài đi con!”, “Ôn bài kẻo quên!”, “Năm cuối cấp phải tranh thủ tết mà học cho kịp!”...
Tết mà, trẻ con phải được vui chơi, háo hức đón tết và học nhiều điều thú vị từ tết chứ? Vậy nhưng có không ít đứa trẻ sẽ chẳng biết tết có ý nghĩa thế nào và không khí chuẩn bị tết, tận hưởng tết lại càng xa lạ. Vì các con luôn được “ưu tiên” dành riêng phần lớn thời gian cho việc học.
Dạy con sẻ chia việc nhà với bố mẹ là cách học kỹ năng sống thiết thực nhất. Cây mai trước nhà cần lặt lá tỉa cành, khoảng sân sau cần quét dọn, cầu thang cần sơn mới hay những việc nhỏ nhặt hơn như lau chùi bàn ghế, dọn dẹp phòng ốc, xếp gọn quần áo... đều có thể nhờ đến bàn tay của bọn trẻ xúm vào chia việc.
Bức tranh gia đình sẽ trọn vẹn hạnh phúc hơn nhiều khi mỗi người một việc bắt tay dọn dẹp không gian đón tết, mệt thì có mệt nhưng vui không thể tả. Trẻ vừa có thể trau dồi kỹ năng sống vừa ý thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân với gia đình. San sẻ công việc với người thân tùy theo độ tuổi cũng là một cách thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình.
Cho trẻ sống trọn vẹn không khí tết cũng là cách níu giữ từng khoảnh khắc quý giá của tuổi thơ và ký ức đẹp đẽ. Dạy con cách bày biện mâm cỗ, chuẩn bị vài món mứt bánh “nhà làm”, gợi lại ý nghĩa sâu sắc của tục mừng tuổi, xông đất, chúc tết... để lưu giữ và tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống tạo nên bản sắc người Việt.
Đừng ngần ngại dẫn theo bọn trẻ đi chúc tết người thân, họ hàng, làng xóm, đồng nghiệp. Đây là dịp để trẻ học cách chào hỏi, thưa gửi và thực hành bài học chúc tết mà mỗi người đều phải học suốt đời khi sống giữa tập thể, gắn kết cộng đồng. Tình thân, tình bạn, tình nghĩa... khi tết đến bỗng ấm áp gấp vạn lần khi ta trao cho nhau nụ cười, ánh mắt và lời chúc an lành đầu năm mới.
Và tết còn là dịp để mỗi đứa trẻ tự nhìn nhận lại bản thân mình về những điều đã đạt được, những điều còn thiếu sót, hao hụt trong năm cũ mà đặt mục tiêu phấn đấu trong năm mới. Kiến thức mỗi ngày lại được cập nhật mới nhưng có những giá trị ta phải bổ khuyết cả đời vẫn chưa đủ, đó là lòng yêu thương, sự sẻ chia, sự hiếu thuận...
Tết cũng là thời điểm cần thiết để ta “chững” lại, sống chậm lại để nhận ra mái tóc bà đốm bạc nhiều hơn, khóe mắt mẹ đã hằn vết chân chim... và biết trân quý hơn từng khoảnh khắc sum vầy bên người thân để vun đắp yêu thương nhiều hơn nữa. Mà yêu thương thì đâu chỉ cần trao gửi cho người thân, người quen.
Yêu thương sẽ càng trọn vẹn nghĩa tình hơn nữa khi ta biết trao đi cho người xa lạ. Mảnh đời khốn khó trên đường, phận người côi cút nơi xóm nhỏ, bé thơ thiếu manh áo mới, nhà nọ gặp cơn túng quẫn thiếu cả đòn bánh tét đón xuân... đều đang chờ đợi tấm lòng thơm thảo của con trẻ sẻ chia. Đừng ngần ngại cho đi, bởi cuộc đời này cần lắm đôi bàn tay biết chìa ra đúng lúc...
Bình luận (0)