Gia đình nhà văn Sơn Tùng trao tặng hơn 1.000 tư liệu ảnh quý hiếm

10/03/2023 19:10 GMT+7

Hơn 1.000 bức ảnh, tư liệu quý hiếm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được gia đình nhà văn Sơn Tùng trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ).

Ngày 9.3, tại Hà Nội, đơn vị này tổ chức lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật của nhà văn Sơn Tùng do ông Bùi Sơn Định - con trai nhà văn - trao tặng. Đây là lần thứ hai Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tiếp nhận khối tài liệu lớn của nhà văn Sơn Tùng.

Gia đình nhà văn Sơn Tùng trao tặng hơn 1.000 tư liệu ảnh quý hiếm - Ảnh 1.

Lễ tiếp nhận tư liệu do gia đình nhà văn Sơn Tùng trao tặng

Trường Hùng

Trong khối tư liệu lần này, nhiều nhất gồm hình ảnh về quê hương, gia đình, cuộc đời và quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó là hình ảnh tư liệu về các danh nhân lịch sử: Vua Hàm Nghi, những người sáng lập Công ty nước mắm Liên Thành, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Văn Cao – tác giả Quốc ca Việt Nam...

Khối tài liệu cũng thể hiện về cuộc đời cầm bút và đời riêng của nhà văn Sơn Tùng: không chỉ là một thương binh nặng (hạng ¼), một người có công với nước (lão thành cách mạng), ông còn là tấm gương về nhân cách. Với sự nỗ lực phi thường trong lao động cầm bút viết văn, khi trong sọ não còn găm 3 mảnh đạn, bàn tay thương tật chỉ còn 2 ngón cử động được 3 ngón còn lại co quắp, ông buộc ngòi bút vào ngón tay cái để viết những trang văn về Bác Hồ cùng những cuốn sách về Bác Hồ liên tiếp ra đời: Búp sen xanh, Bông sen vàng, Trái tim quả đất, Mẹ về, Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh… Năm 2011, nhà văn Sơn được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Gia đình nhà văn Sơn Tùng trao tặng hơn 1.000 tư liệu ảnh quý hiếm - Ảnh 2.

Ảnh tư liệu quý hiếm về Chủ tịch Hồ Chí Minh do nhà văn Sơn Tùng lưu giữ

K.M.S chụp lại

Chia sẻ với đơn vị tiếp nhận, ông Bùi Sơn Định đã nhắc lại quá trình hơn 70 năm trước khi cha của ông còn là anh thanh niên Bùi Sơn Tùng đi tìm tư liệu về Bác Hồ ban đầu như thế nào, chuẩn bị tư liệu để viết tiểu thuyết Búp sen xanh ra sao… Sau đó là suốt 50 năm nhà văn Sơn Tùng cùng vợ là bà Phan Hồng Mai đã bán cả nhẫn cưới để vào Cao Lãnh (Đồng Tháp) tìm gặp những người đã chăm sóc và an táng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Trao gửi tài liệu là trao tài sản được cha mẹ gửi gắm lại cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, ông Bùi Sơn Định coi đây như là trao lại mối lương duyên để các thế hệ sau này có điều kiện tới tìm hiểu, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về các danh nhân lịch sử của đất nước. Ông cảm động đọc mấy câu trong Truyện Kiều: "Cậy em em có chịu lời/Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa/Giữa đường đứt gánh tương tư/Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em".

Gia đình nhà văn Sơn Tùng trao tặng hơn 1.000 tư liệu ảnh quý hiếm - Ảnh 3.

Trong khối tư liệu lần này, nhiều nhất gồm hình ảnh về quê hương, gia đình, cuộc đời và quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh

K.M.S chụp lại

Phát biểu tại lễ tiếp nhận, bà Trần Việt Hoa – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III nhắc lại lời đánh giá của những người đi trước "nhà văn Sơn Tùng là người viết tư liệu về Bác Hồ đáng tin cậy nhất", "đây là con người có trí mệnh" như đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vì vậy, sau khi tiếp nhận những tư liệu do gia đình trao tặng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ thực hiện việc chỉnh lý, sắp xếp khoa học để bảo quản lâu dài. Đồng thời, với mong muốn phát huy có hiệu quả giá trị của các tài liệu, đưa tài liệu đến với công chúng, vào tháng 5.2023, Trung tâm sẽ tiến hành công bố một số tài liệu (trong đó có những tài liệu lần đầu tiên được công bố) nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.