Nhà văn Sơn Tùng “viết nhân nghĩa, sống ân tình”

26/07/2021 07:31 GMT+7

“Viết nhân nghĩa, sống ân tình” là bút tích của nhà văn Mạc Phi đề tặng nhà văn Sơn Tùng, người vừa dừng bút để về hội ngộ với Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Mạc Phi, Tân Trà, Minh Giang, Siêu Hải…

Người phụ trách báo Thanh Niên Giải Phóng

Khi còn mạnh khỏe, nhà văn Sơn Tùng tâm sự cho tôi nghe chuyện đằng sau những lá thư tại chiến trường miền Nam (1969-1971) được ông gìn giữ cẩn thận suốt 40 năm...
Năm 1967, Sơn Tùng cùng các nhà báo Bùi Quang Tuynh, Phạm Hậu, Tâm Tâm, Mạnh Chuẩn, Khải Hoàn, Lưu Quang Huyền, họa sĩ Ái Nhi… vượt Trường Sơn vào tận giáp sông Vàm Cỏ Đông lập tờ báo Thanh Niên Giải Phóng thuộc Hội Liên hiệp Thanh Niên Mặt trận Dân tộc Giải Phóng miền Nam. Ông mang bí danh mới là Sơn Phong, anh em thường gọi Sơn Tùng là Sáu Phong anh, để phân biệt với Sáu Phong em – sau này là nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Ngày 15.4.1971, ông đang ngồi dưới hầm viết xã luận, hoạ sĩ Ái Nhi làm ma-két cho số kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Hội, bỗng có tiếng máy bay, rồi bom nổ. Giặc mở trận càn vào căn cứ!
Là Bí thư chi bộ cơ quan, ngồi hầm mà lòng ông như lửa đốt. Phải lên với anh em lúc này. Nghĩ sao làm vậy, ông vừa đẩy nắp hầm thì một quả M79 từ trên trực thăng Mỹ phóng tới, ông gục xuống bất tỉnh… cảm giác đau đớn toàn thân, lơ mơ thấy Sáu Phong em cõng ông vọt ra khỏi miệng hầm.
Từ đó, trên mình ông được gắn “một thứ huân chương siêu hạng” (chữ của Nguyễn Tuân) là 14 vết thương và 3 mảnh đạn còn găm trong sọ não. Nửa người bên phải hầu như bị liệt, bàn tay phải co quắp, chân phải chỉ còn động đậy chút ít, thần kinh chéo bị tổn thương nặng, mắt bên phải bị mờ.
Sau thời gian sơ cứu để qua cơn nguy hiểm, Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam cấp tốc viết giấy giới thiệu ông ra Bắc điều trị: “Đây là một tài năng quý giá, một kho tư liệu đồ sộ, một chiến sĩ kiên trung. Đề nghị Trung ương, Chính phủ hết lòng chữa chạy, chăm sóc, kẻo mất đi một nhân tài đáng nể…”.

Khối nam châm có sức hút

Những lá thư tại chiến trường còn giữ được phần lớn là khi ông bị thương: nhà thơ Giang Nam, nhà thơ Hoài Vũ, nhà báo Đặng Văn Nhưng – Thư ký Tòa soạn báo Quân Giải phóng, Sáu Lực, Thanh Nhã, Khôi và Chắt, Nguyễn Quốc Căn, Kim Oanh, Út Thơ, Thế Sử, Trần Đình Phảng, Thu Vân, Sáu Vân, Tuyết Hồng, Lê Quyết Tiến, Năm Cơ, Tư Trung, Tám Đạo… Và cả những tác giả hiện nay tôi chưa tìm được danh tính vì những bức thư đó chỉ ký tên hoặc đã bay hết chữ bởi thời gian…
Cầm lại trên tay những lá thư từ chiến trường hôm đó, đọc xong là ông khóc. Nhiều người viết thư cho ông đã không còn. Có người đương sống mà cho đến hôm nay ông vẫn không gặp lại được ai để tạ ơn khi người ta nuôi và chăm sóc mình. Thực tình thấy lúc ông ngã xuống như thế mà tấm lòng người ta ai nấy đều quan tâm lo lắng cho ông.
Biết tin ông bị thương, ngày 24.4.1971, cô Ánh (sau này là con dâu cố Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ) viết: “Phải chi thay thế được thì tụi em thay thế, để anh Sáu làm nhiều việc có lợi cho cách mạng hơn tụi em”.
Nữ nghệ sĩ điện ảnh Kim Chi đã từng kể cho tôi nghe những ngày trong chiến trường, mỗi khi giặc mở những trận tâm lý chiến, nhiều người ra chiêu hồi. Lúc đó trái tim người chiến sĩ cách mạng đau như dao cắt. Bà lại đến mời “anh Sơn Tùng bên báo Thanh Niên Giải Phóng” đến nói chuyện về lý tưởng cách mạng. Cái tên Sơn Tùng đã trở thành một khối nam châm có lực hút cực mạnh.

Sơn Tùng phụ trách báo Thanh Niên Giải Phóng

Ảnh: Tư liệu gia đình

Lần này, khi đọc lá thư của Nguyễn Quốc Căn (B72/BD 15.702) đề ngày 25.8.1971, tôi biết thêm tình cảm của mọi người xung quanh những năm tháng ấy đã dành cho ông: “Anh Tùng ơi! Từ ngày anh về cái không khí tưng bừng nhộn nhịp ở đây cũng tự nhiên lắng xuống. Mỗi khi qua bên khu bệnh, qua cái nhà nhỏ nhắn mà anh ở, nhìn cái giường quen thuộc mà anh vẫn nằm bọn em lại nhớ đến anh. Và chính lúc ấy lại dậy lên trong lòng em nỗi thương anh – như một người anh ruột thịt – đã mất mát nhiều quá vì cuộc chiến tranh ái quốc. Giá như một gánh nặng đang đè lên vai anh thì bọn em có thể còn chia sớt được. Nhưng đây lại là một thương tích – thương tích trên thể xác và trên tình cảm…
Bao nhiêu lần nói chuyện với anh em đều nhớ lại và ghi nhớ rất sâu những điều anh nói. Rồi mai đây, anh có trở về ngoài ấy, tiếng nói của anh vẫn như có một sức mạnh vang từ quê mẹ đến bên tai chúng em”.
Ngày ấy, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tuyên truyền nhiều hình ảnh xấu về người chiến sĩ cộng sản miền Bắc, nhất là trong hoạt động văn hóa văn nghệ. Vậy mà khi Sơn Tùng vào là sinh viên, trí thức Sài Gòn cứ quây xung quanh những buổi ông nói chuyện về Alphonse Daudet, Victor Hugo…
Những chiến sĩ cộng sản ngoài Bắc vào nhiều người tài hoa nhưng họ ngạc nhiên nhất tại sao có ông cán bộ Sơn Phong nhớ lịch sử dân tộc kỹ càng, thuộc chuyện “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định cứ vanh vách. Sơn Phong đọc thơ Đồ Chiểu với “Lục Vân Tiên”, “Ngư tiều y thuật vấn đáp” như thấu cả tấm lòng người dân lục tỉnh: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình…” rồi “Nhớ câu kiến ngãi bất vi/ Làm người như thế cũng phi anh hùng”.
Nói đến văn học Nga trong rừng miền Đông kháng chiến chống Mỹ lại càng hiếm. Sơn Tùng đã dành nhiều buổi trò chuyện về “Sông Đông êm đềm” của Sholokhov, với số phận cuộc đời của Gregori và Aksinia; “Chiến tranh và Hòa bình” của Lev Tolstoy; “Tội ác và hình phạt”, “Bút ký dưới hầm”… của Dostoevsky. Chưa đi hết ngạc nhiên này, sinh viên trí thức trong rừng ngày đó lại đến ngạc nhiên khác với một nhà báo Sơn Tùng nói chuyện về “tứ đại kỳ thư” của Trung Quốc: Đông Chu liệt quốc, Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Tây Du Ký… ngày này qua ngày khác.
Trong những người quanh ông hồi đó, cũng có người không hiểu ông. Và người ấy chắc cũng có những hành động cư xử không được hay với ông. Tôi có suy luận như vậy khi đọc thư chiến trường. Tuy nhiên khi người ấy gặp hoạn nạn, chính bàn tay của ông đã chăm sóc trong giây phút hiểm nghèo. Để rồi, khi ông nằm điều trị, người ấy đã viết thư với sự hối hận: ước mong làm sao chăm sóc ông để bù lại lỗi lầm mình đã gây ra. Nhưng ông luôn giàu lòng bao dung và vị tha, ông biết mà chưa bao giờ có một lời trách cứ hay than phiền…
Bây giờ đọc lại tập thư chiến trường, ông có cái day dứt suốt mấy đêm liền. Những người đó là ân nhân chăm sóc mình, làm sao báo đáp được?
Vẫn trong mạch băn khoăn của mình, ông lại dặn dò tôi kỹ càng: “Cháu nhớ phải chú thích ông Tư Kiếng là Giáo sư Lê Thiết – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng miền Nam Việt Nam. Giáo sư Lê Thiết đã mất năm 1985, hiện nay người con trai là Trần Cát Điền (Tư Điền) công tác tại Ban Tổ chức Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh”.
Bàn tay gió khẽ lật những trang sách trên bàn làm việc của ông cùng những bức thư chiến trường đã ngả màu thời gian.
Nhà văn – Anh hùng Lao động Sơn Tùng qua đời ngày 22.7.2021, hưởng thọ 93 tuổi. Lễ viếng và truy điệu được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) sáng ngày 26.7.2021. Di quan và an táng tại nghĩa trang quê nhà: làng Kim Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.