"Gia đình" tập đoàn massage Tân Hoàng Phát lãnh án

27/01/2011 18:22 GMT+7

(TNO) Chiều nay 27.1, TAND TP.HCM tuyên phạt Phan Cao Trí, “trùm” tập đoàn massage kích dục Tân Hoàng Phát (P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM) 12 năm tù.

>> Xét xử "động" massage Tân Hoàng Phát
>> “Trùm” massage Tân Hoàng Phát bị đề nghị 13 năm tù

Khác với những ngày trước đó, luôn ngoan cố và ăn mặc chải chuốt khi ra tòa, chiều nay ông trùm “Trí” rơm rớm nước mắt khi ra xe về lại trại giam Chí Hòa.

Dùng trẻ chưa thành niên làm massage kích dục

Trí lãnh án 12 năm tù với hai tội danh “bắt giữ người trái pháp luật” và “cưỡng đoạt tài sản”.

Phạm cùng tội danh như Trí, Phạm Việt Hậu (em vợ Trí) nhận 10 năm tù, Phạm Quốc Cường lãnh 9 năm tù.

Bị cáo Phạm Thị Yến (vợ Trí) bị tuyên phạt 6 năm tù cho tội “cưỡng đoạt tài sản”; Nguyễn Hoài Nhanh 2 năm tù, Nguyễn Minh Phương 3 năm tù cho cùng tội danh “bắt giữ người trái pháp luật”.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng buộc vợ chồng Trí - Yến bồi thường tiền cho một số nạn nhân đã bị vợ chồng này cưỡng đoạt tài sản.

Theo hồ sơ vụ án và thẩm tra tại phiên tòa, với lời khai của 94 nhân viên massage, 12 nhân viên quản lý, lễ tân…HĐXX cho biết, với danh nghĩa lập công ty xin đăng ký kinh doanh dịch vụ xông hơi, massage, Phan Cao Trí và Phạm Thị Yến đã tập hợp được nhiều thành viên trong gia đình và nhiều đối tượng ngoài xã hội (một số đối tượng không rõ lai lịch) cùng nhau tổ chức, biến tướng ngành nghề kinh doanh dịch vụ này thành hoạt động không lành mạnh để thu lợi lớn.


"Gia đình" tập đoàn massage kích dục Tân Hoàng Phát dẫn nhau ra xe chuyên dụng trở về trại giam Chí Hòa - Ảnh: Trần Duy

Vợ chồng Trí - Yến cùng các đồng phạm đã cho thu nhận các cô gái ít học, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm ở các tỉnh vào công ty và cơ sở của Trí - Yến làm việc.

Khi tiếp nhận họ, Trí và các đồng phạm đã tổ chức cho họ ký các bản hợp đồng lao động có mức lương, có ngày phép và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nhưng thực tế khi vào làm việc, họ phải tiếp khách từ 9 giờ đến 1 giờ sáng ngày hôm sau; không được hưởng lương và cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào việc phục vụ khách để khách cho tiền “típ”; không được nghỉ phép, không được tự do đi lại. Tiền “típ” do chủ quản lý và bị khấu trừ vào mọi vật dụng cá nhân, với giá đắt 3 - 4 lần mua bên ngoài.

Để đối phó với cơ quan chức năng, Trí đã ký hợp đồng với các cơ quan đào tạo lập danh sách cho các nhân viên có chứng chỉ đào tạo nghề rồi sau đó dùng những chứng chỉ này hợp thức hóa cho nhiều trường hợp không được đào tạo, kể cả những người chưa thành niên.

Biến “nhà ở” thành “nhà giam”

Thực tế, cách thức “đạo tạo nghề” của Trí - Yến là kẻ đến trước hướng dẫn lại cho người đến sau. Tiêu chí của Yến là: “Đàn ông rất nhạy cảm, phải làm cho họ có cảm giác thỏa mãn”. Còn nếu nữ nhân viên massage để cho khách phàn nàn thì Trí chỉ đạo cho cấp dưới đình “tua” các nhân viên từ 7 - 9 ngày và phải xin ý kiến của Trí - Yến thì mới được làm tua lại (theo bút lục tự khai của Yến).

Trí ra quy định cấm mại dâm nhưng thực tế lại buộc nhân viên nữ dùng những gì có thể để kích dục cho khách, buộc họ phải cho khách thỏa mãn, tự ý xâm phải mọi nơi trên cơ thể của nhân viên phục vụ…

Tiêu chí của Trí là kiếm những người nghèo, không có tiền nên sau khi nhận, Trí ra cam kết buộc họ phải ở lại công ty 24/24 giờ, không được tự ý nghỉ, ai muốn nghỉ thì phải nộp khoản tiền rất lớn. Trí cũng ra những quy định khắt khe khác và có sự giám sát của lực lượng bảo vệ. Trí và đồng phạm đã biến các cơ sở kinh doanh và nhà của mình thành nơi giam giữ các nữ tiếp viên.

Với vai trò là người điều hành hoạt động của 5 công ty và cơ sở massage là Tân Hoàng Phát, Kim Thu, Hoàng Thành, New Star, Hoàng Vân 3, Trí đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường, Nguyễn Minh Phương và Nguyễn Hoài Nhanh…

Chính Trí là người đưa ra các quy định buộc các nhân viên (các bị hại) phải ăn ở tại phòng và không được đi ra ngoài, ai bỏ trốn thì bị bắt lại đánh và phạt. Việc quản chế này được lực lượng bảo vệ và nhân viên của cơ sở đảm nhiệm với quy trình khép kín và dùng bạo lực khiến cho các bị hại phải chấp hành và không thể phản kháng.

Một số bị hại do không chịu được sự khổ nhục nên bỏ trốn như Đ.T.H.T, ban đêm leo cửa sổ bỏ trốn và bị ngã gây chấn thương; T.N.T liên lạc với gia đình lập kế hoạch bỏ trốn nhưng bị Trí và các đồng phạm tổ chức lực lượng bắt giữ lại đánh, phạt; N.T.Th trốn thoát, sau đó ra bến xe để đón xe về quê thì bị đồng bọn của Trí bắt về...

Tất cả đều đem nhốt ở nhà Trí - Yến tại số 48 đường số 4, P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức và xử lý tại Công ty Tân Hoàng Phát theo quy định do các bị cáo đề ra.

Các bị hại, gia đình các bị hại biết rõ khả năng xâm hại đến sinh mạng, sức khỏe của các bị cáo đối với con em họ và họ đã miễn cưỡng giao tiền cho các bị cáo chiếm đoạt để nhằm giải thoát cho chính mình và con em họ.

“Các bị cáo là những người không có thẩm quyền, chức năng hoạt động Nhà nước nhưng tự đưa ra các quy định và thực hiện các quy định trái với quy định của Nhà nước để vi phạm quyền tự do đi lại, quyền tự do thân thể của người khác”, Chủ tọa cho biết.

Tân Hoàng Phát nằm gần công an phường

Theo HĐXX, luật sư bào chữa cho các bị cáo Trí, Hậu, Cường, Yến chỉ phân tích một số hoàn cảnh khách quan, không xuất trình chứng cứ gì để thay đổi diễn biến nội dung, quá trình phạm tội của các bị cáo.

Về ý kiến cho rằng, công ty Tân Hoàng Phát nằm gần Công an P.Linh Chiểu nên nếu có phạm tội thì công an đã biết, HĐXX cho rằng nếu có sự thiếu sót kiểm tra, quản lý của cán bộ địa phương - nơi các cơ sở hoạt động vi phạm pháp luật - thì không có nghĩa các bị cáo không có hành vi phạm tội.

“Các luật sư cho rằng các bị cáo không phạm tội là chưa đánh giá được toàn bộ tính chất phạm tội của một tổ chức tội phạm. Do đó, lời khai không nhận tội của bị cáo Yến, Trí, Hậu, Cường tại phiên tòa và lời bào chữa của các luật sư không được HĐXX chấp nhận”, Thẩm phán Minh Ngọc kết luận.

Theo HĐXX, đối với cây súng bắn đạn hơi cay nhãn hiệu ROHM RRG88 số 0752999, mà cơ quan điều tra thu giữ trong quá trình điều tra vụ án không phải là vũ khí quân dụng mà chỉ là công cụ hỗ trợ nên giao cho Công an TP.HCM xử lý.

Về nguồn gốc cây súng nói trên, Phan Việt Hậu khai do Phan Cao Trí giao cho Hậu cất giữ. Khi cơ quan CSĐT làm việc với Trí về nguồn gốc cây súng, Trí cho biết cây súng này là do bà Th. (Đồng Nai), chủ doanh nghiệp T.T nhờ Trí giữ giúp. Bà Th. trình bày với cơ quan CSĐT súng do Công an Thị xã Long Khánh, Đồng Nai cấp.

Khoảng tháng 10.2008, bà Th. được Trí mời đến dự tiệc, khi đi bà Th. có mang theo cây súng ROHM RRG88 số 0752999. Do uống bia nhiều sợ đi về mang theo súng bị rớt mất nên bà Th. gởi lại cho Trí giữ giúp.

Qua xác minh, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết, ông Nguyễn Hồng Mạnh, cán bộ đội quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công an Thị xã Long Khánh cấp cho DNTN T.T súng bắn đạn hơi cay trên là sai quy định. Ông Mạnh đã bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành.

Trần Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.