VỢ "MỘT ĐƯỜNG", CHỒNG "MỘT NẺO"
Không ít vợ chồng chưa nhất quán trong việc dạy con. Vợ làm "một đường", chồng "một nẻo", để rồi họ cứ loay hoay và xung đột trong việc giáo dục con cái.
Chẳng hạn như vợ chồng anh Tạ Công Ấn (35 tuổi) và chị Nguyễn Thị Loan (33 tuổi), ngụ chung cư Lê Thành, Q.Bình Tân, TP.HCM. Trong khi chị Loan liên tục muốn con phải tập trung cho việc học để đạt kết quả cao, thì anh Ấn khuyên vợ hãy để con có thời gian giải trí, vui chơi. Chính điều này đã khiến hai vợ chồng không ít lần mâu thuẫn.
Tương tự, chị Huỳnh Thị Oanh (28 tuổi) và chồng Vương Minh Khang (31 tuổi), ngụ đường Lê Văn Việt, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cũng thường xảy ra bất đồng quan điểm chỉ vì chuyện dạy con. Nếu như anh Khang thường để con xem các video về thế giới động vật, học tiếng Anh trên YouTube để có thêm kiến thức và giải trí, thì chị Oanh lại chẳng đồng tình. Chị Oanh cho rằng cứ xem YouTube sẽ tạo thói quen không tốt cho con. Và rồi hai vợ chồng thỉnh thoảng giận nhau.
Còn rất nhiều câu chuyện khác cho thấy tình trạng "đi ngược lối" trong việc dạy con khá phổ biến tại các gia đình trẻ.
VÌ ĐÂU NÊN NỖI ?
Theo tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự trái ngược nhau trong việc giáo dục con cái.
"Có thể kể đến như vợ chồng có sự khác nhau về nền tảng giáo dục, quan điểm giáo dục con, mong đợi đối với trẻ, sự lựa chọn phương pháp giáo dục, tính cách... Sự khác nhau là điều dễ hiểu nhưng sự bảo thủ của một trong hai hoặc cả hai có thể dẫn đến những mâu thuẫn, thậm chí là xung đột", ông Quân phân tích.
Ông Quân cũng cho biết khi sống trong gia đình mà bố mẹ hành động theo kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" sẽ khiến cho trẻ hoang mang, lo lắng, không biết nên nghe và làm theo ai. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành định hướng giá trị và sự phát triển nhân cách của trẻ. Sự bất đồng quan điểm của bố mẹ cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng quản lý cảm xúc của con vì không biết nên thể hiện cảm xúc thế nào cho phù hợp.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Văn Lang, cũng nói: "Lý do xuất phát từ việc mỗi người có một quan điểm và định hướng riêng trong việc dạy con. Nếu giữa vợ và chồng không tìm thấy tiếng nói chung hoặc dung hòa để xác định phương pháp dạy con thống nhất, sẽ gây ra những mâu thuẫn. Bên cạnh đó, sự hiếu thắng, muốn chứng minh phong cách dạy con của mình là hơn cũng là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn".
Nhiều vợ chồng thừa nhận họ đang là "những người trong cuộc", tức gặp mâu thuẫn ở việc dạy con, thắc mắc liệu khi bất đồng quan điểm, hay nói cách khác là "giáo dục chia rẽ" nguy hiểm như thế nào đến tình cảm gia đình và chính bản thân của con?
Bà Lưu cho rằng điều đó sẽ dẫn đến sự rạn nứt trong hôn nhân và bầu không khí gia đình. Bên cạnh đó sẽ khiến cho con có những sự hoài nghi về năng lực của chính bố, mẹ. Ngoài ra, con cũng dễ nảy sinh cảm giác chán ghét hoặc xem nhẹ ý kiến của bậc sinh thành, chẳng hạn sẽ theo phe của ba mà phớt lờ ý kiến của mẹ hoặc ngược lại.
CẦN "LIÊN MINH"
Anh Nguyễn Minh Chánh (34 tuổi), ngụ đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, tâm sự chuyện hai vợ chồng thường xuyên bất đồng quan điểm trong việc dạy con. Khổ nỗi, bản thân anh và vợ chẳng biết phải tháo gỡ mâu thuẫn bằng cách nào.
Ông Quân khuyên: "Phương pháp hiệu quả để rút ngắn khoảng cách khác biệt là hai vợ chồng nên đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, chân thành, tôn trọng lẫn nhau. Và đôi khi, nếu có sự tham gia thêm của người thân, bạn bè hay nhà chuyên môn cũng rất hiệu quả giúp cho hai vợ chồng tìm được tiếng nói chung".
Cũng theo vị tiến sĩ tâm lý này, trong giáo dục con cái, vợ chồng cần biết cách "liên minh". Bởi sự nhất quán trong quan điểm dạy con là điều quan trọng và có tác động tích cực không chỉ đối với đứa trẻ mà đối với cả gia đình. Khi có được tiếng nói chung thì có thể hình thành được nền nếp gia đình để mỗi thành viên đều có thể hiểu rõ, đồng thuận và làm theo. "Trong quá trình nuôi dạy con, luôn luôn đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của bố mẹ thì mới có thể cùng con trưởng thành trong hạnh phúc", ông Quân khẳng định.
Còn bà Lưu thì khuyên: "Khi vợ chồng đồng thuận, thống nhất trong cách dạy con sẽ đem lại nhiều lợi ích. Con sẽ được thụ hưởng phương pháp giáo dục hiệu quả, phù hợp và phát huy hết khả năng bản thân. Con cũng sẽ học được cách thể hiện cảm xúc phù hợp cũng như cảm thấy vững tâm hơn trong quá trình trưởng thành. Bên cạnh đó, vợ chồng sẽ thêm sự gắn kết, thấu hiểu, tin tưởng và không còn xảy ra xung đột. Đặc biệt, sự gắn kết giữa bố mẹ và con cái sẽ càng được củng cố".
Ông Quân cũng chia sẻ, những vợ chồng sau khi kết hôn, sinh con cũng nên học kỹ năng để làm bố mẹ; vì kỹ năng ấy không thể tự nhiên có được, mà cần trải qua sự học hỏi, trải nghiệm, rèn luyện từng ngày. Do vậy, việc học kỹ năng làm bố mẹ là hết sức cần thiết. Các vợ chồng có thể tự học hoặc tham gia các khóa học có chọn lọc, hay cậy nhờ các cộng đồng làm bố mẹ uy tín, tích cực để học hỏi lẫn nhau. Và cũng đừng quên mỗi đứa trẻ có cá tính, bản thể riêng, nên cần khéo léo lựa chọn phương pháp phù hợp, không thực hiện theo một cách rập khuôn.
Chương trình "Gia đình trẻ hạnh phúc" do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN phối hợp Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức để tăng cường việc tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bổ sung những kiến thức, kỹ năng trước khi xây dựng gia đình; kỹ năng gìn giữ gia đình hạnh phúc, ấm no cho hội viên, thanh niên.
Bình luận (0)