Giá euro xuống thấp nhất 20 năm, hàng nhập khẩu từ châu Âu có giảm theo?

Mai Phương
Mai Phương
08/07/2022 11:22 GMT+7

Tỷ giá EUR/VND đã giảm khoảng 8% trong 6 tháng đầu năm nay. Mấy ngày vừa qua, thậm chí đã về gần sát giá USD sau gần 20 năm. Nhưng giá nhiều hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu bán ra trên thị trường lại không giảm tương ứng.

Mua trực tiếp rẻ hơn 20 triệu đồng

Trong chuyến công tác tại Pháp vào giữa tháng 6 qua, chị N.Hà (Q.3, TP.HCM) mua một chiếc vali hiệu Louis Vuitton với giá quy đổi hơn chưa tới 60 triệu đồng triệu đồng, hoàn thuế 12% chỉ còn khoảng 55 triệu đồng. Trong khi người bạn đi cùng xuýt xoa vì mua từ Singapore trước đó cũng với chiếc vali này tính gần 77 triệu đồng, tương đương với giá bán ngay tại TP.HCM. Song song đó, chị N.Hà cũng mua giùm cho người quen chiếc túi Pochette Métis với giá 1.900 euro. Chưa kể thuế, phí khi chỉ cần tính theo giá niêm yết của hãng thì người mua đã giảm được hơn 4 triệu đồng so với đầu năm năm do tỷ giá EUR/VND từ trên 27.000 đồng/euro nay chỉ còn dưới 25.000 đồng/euro.

Giá euro xuống thấp trong vòng 20 năm qua

Reuters

Một số dịch vụ nhận mua hàng xách tay cho hay do giá euro xuống nên khách hàng cũng thích mua hàng từ các nước như Pháp, Đức, Tây Ban Nha hơn trước. Không chỉ rẻ hơn nhờ tỷ giá sụt giảm mà cả phí vận chuyển, công dịch vụ cũng sẽ được giảm theo. Một số địa chỉ đang nhận đặt hàng xách tay từ châu Âu về với tỷ giá 27.000 đồng/euro, thấp hơn 2.000 đồng/euro so với năm trước. Chị Kim (Q.7, TP.HCM), trong hai tháng qua cũng thích đặt hàng (order) từ các hãng Mango ở Tây Ban Nha, H&M ở Đức hơn là mua tại Mỹ vì giá mua quy đổi sẽ rẻ hơn từ 50.000 - 100.000 đồng/món. Tuy nhiên, không phải tất cả dịch vụ nhận order đều giảm theo tỷ giá euro, một số nơi vẫn tính 29.000 đồng/euro như năm trước. “Mình thường xuyên đặt mua quần áo cho cả nhà và dịp này mua của các nước châu Âu thì rẻ hơn nhiều. Nếu canh mua hàng sale nữa thì giảm lên đến 60 - 70% so với hàng nhập sẵn được bán ở đây. Nhưng một số nhà order lại không giảm giá euro như ngân hàng. Nếu mua chỉ 1 - 2 món thì đôi khi mình tính chênh lệch không quá nhiều nên chấp nhận. Còn khi mua nhiều hơn thì mức chênh lệch này có khi lên đến tiền triệu nên sẽ phải tìm nhà order có tỷ giá thấp”, chị Kim chia sẻ.

Hàng nhập không giảm?

Dạo một vòng trên thị trường, tại một hệ thống chuyên bán hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm, gel rửa mặt cho da dầu mụn Eucerin 400ml xuất xứ từ Đức có giá 377.000 đồng, giảm 24%; sửa rửa mặt cho da dầu La Roche-Posay 50ml xuất xứ từ Pháp có giá 235.000 đồng; bánh nhân kem hạt phỉ Grisbì 150gr xuất xứ từ Ý giá 75.000 đồng; bánh quy lúa mì nguyên cám Misura 120gr giá 39.000 đồng… Hầu hết các sản phẩm nhập khẩu so với giá một năm trước không thay đổi, thậm chí có sản phẩm tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/món. Nhân viên cửa hàng cho biết ở đây mỗi tháng đều có chương trình khuyến mãi dành cho một số sản phẩm nhất định. Tương tự, một số hàng gia dụng, mỹ phẩm có xuất xứ từ các nước châu Âu cũng đều giữ nguyên hoặc tăng giá so với trước đây. Đại diện một đơn vị có nhập khẩu hàng tiêu dùng từ châu Âu cho hay tỷ giá euro giảm gần 10% nhưng mức này xem như bù đắp cho chi phí vận tải gia tăng. Thậm chí mức giảm của tỷ giá không đủ cho nhiều chi phí liên quan khác. Vì vậy các sản phẩm nào giữ được giá như năm cũ là đã mừng. Còn có hàng vẫn phải tăng do các loại phí đầu vào đều quá cao.

Nhiều sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu về bán tại Việt Nam không giảm dù euro lao dốc

M.Phương

Còn với nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dù mua bán với thị trường châu Âu nhưng thói quen vẫn sử dụng đồng USD để ký hợp đồng. Chỉ có số ít doanh nghiệp mua máy móc thiết bị sẽ có lợi hơn. Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu máy móc dùng trong lĩnh vực y tế và máy cắt bằng lazer, tiện công nghệ có độ chính xác cao từ Đức phấn khởi cho biết công ty mới nhập về một dàn máy trị giá gần 30.000 euro/máy. Dàn máy đã đặt hàng từ cuối năm 2021 và chỉ mới được nhập về đến Việt Nam thì nhờ giá euro giảm, công ty tiết kiệm được khoảng 70 triệu đồng so với ước tính ban đầu.

Theo bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát, từ trước đến nay hợp đồng xuất khẩu từ Mỹ đến châu Âu đều sử dụng theo tỷ giá USD. Vì vậy khi nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các nước, trong đó bao gồm châu Âu cũng tính theo USD. Do đó biến động của đồng euro không ảnh hưởng đến công ty. Trong khi đó, công ty hưởng lợi nhờ giá USD tăng cao so với tiền đồng nhưng phần lãi này cũng chỉ đủ bù đắp cho các chi phí đầu vào đã lên quá cao. Nếu không nhờ hưởng lãi từ chênh lệch tỷ giá thì có thể công ty sẽ bị thua lỗ và khó gồng mình duy trì sản xuất trong bối cảnh này...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.