Gạo Việt tiếp tục "sốt" giá
Theo cập nhật mới nhất từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng. Gạo tiêu chuẩn 5% tấm tăng 10 USD lên 653 USD/tấn; gạo 25% tấm cũng tăng 10 USD lên tới 638 USD/tấn. Ngược chiều với gạo VN, gạo Thái Lan giảm nhẹ khoảng 3 USD, gạo 5% tấm còn 561 USD/tấn và gạo 25% tấm còn 521 USD/tấn. Như vậy, gạo 5% tấm của VN đang cao hơn Thái Lan đến 92 USD/tấn và gạo 25% tấm là 117 USD/tấn.
Với các mốc giá này, gạo VN đang ở mức cao nhất lịch sử xuất khẩu (năm 2008, giá gạo có thời điểm tăng tới 1.000 USD/tấn nhưng VN tạm dừng xuất khẩu). Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cho biết dù đang ở mức cao nhưng giá gạo 10 ngày nay tiếp tục tăng và hiện xoay quanh mốc 700 USD/tấn. Hiện đang vào cuối vụ thu hoạch, sản lượng không còn nhiều nên giá gạo trong dân liên tục tăng. Các doanh nghiệp cũng không gom được hàng để xuất khẩu nên chỉ dám ký các hợp đồng với số lượng nhỏ cho các đối tác lâu năm.
"Ngoài các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn như: Philippines, Indonesia, Malaysia… đang đẩy mạnh nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn thì Trung Quốc cũng quay lại thị trường và tích cực thu mua. Bên cạnh đó, nhiều nước khác ở châu Phi, kể cả châu Âu cũng đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung. Các nhà nhập khẩu từ khắp thế giới thì khẩn trương thu mua để đảm bảo nguồn cung trong điều kiện thị trường thế giới tiếp tục trạng thái thiếu hụt", một lãnh đạo doanh nghiệp lớn ở vựa lúa miền Tây phân tích.
Theo khảo sát của Thanh Niên, giá lúa tại ĐBSCL tiếp tục tăng 200 - 300 đồng/kg so với cách đây 10 ngày. Cụ thể tại An Giang, giá lúa IR 504 từ 8.700 - 8.800 đồng/kg, lúa OM 5451 từ 8.800 - 8.900 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 từ 8.900 - 9.000 đồng/kg, lúa Nhật khoảng 8.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Toàn, một thương lái ở Đồng Tháp, than thở: "Hiện tại giá lúa tăng cao nhưng việc thu mua cũng gặp nhiều khó khăn vì diện tích còn lại sẽ thu hoạch trong tháng 11 và 12 rất ít và đa phần bà con nông dân đã nhận đặt cọc từ trước nên không có lúa để mua. Tôi làm nghề này gần 20 năm nay mà chưa khi nào thấy lúa "đắt như tôm tươi" như hiện tại".
Tại Tiền Giang, giá gạo nguyên liệu cũng tiếp tục tăng 100 - 200 đồng/kg so với tuần trước. Cụ thể như gạo nguyên liệu Đài thơm từ 14.300 - 14.500 đồng/kg, gạo OM 5451 từ 13.800 - 13.900 đồng/kg, gạo IR 504 từ 13.200 - 13.300 đồng/kg. Không chỉ giá gạo mà các loại phụ phẩm cũng tăng. Cụ thể như tấm ở mức 13.000 - 13.200 đồng/kg, giá cám từ 7.500 - 7.600 đồng/kg.
Vì sao gạo Việt "một mình một chợ" ?
Đầu tiên vẫn phải đề cập nguồn cung quan trọng nhất thế giới là Ấn Độ. Theo Reuters và báo chí Ấn Độ, do tác động của hiện tượng El Nino khiến lượng mưa ít và phân bố không đồng đều trên toàn bộ lãnh thổ, làm sản lượng lúa của vụ quan trọng nhất trong năm là kharif sụt giảm. Cuối tuần trước, lãnh đạo ngành nông nghiệp nước này công bố sản lượng vụ kharif giảm 3,7% so với năm trước bất chấp diện tích gieo trồng đã tăng. Cụ thể diện tích gieo trồng tăng từ 4,04 triệu ha lên tới 4,11 triệu ha, tuy nhiên năng suất giảm từ 110,5 triệu tấn xuống còn 106,3 triệu tấn. Đây là vụ sản xuất chiếm tới 85% nguồn cung gạo cho Ấn Độ. Chưa hết, dự kiến trong vụ gieo trồng tiếp theo vào mùa hè tới, sản lượng tiếp tục sụt giảm do điều kiện khí hậu gây thời tiết khắc nghiệt.
Đây chính là lý do Ấn Độ vẫn chưa nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo dù vụ thu hoạch lúa lớn nhất của họ đã kết thúc. Từ tháng 7 đến nay, Ấn Độ mới chỉ xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo trắng cho một số nước theo đường ngoại giao. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi vẫn đặt ưu tiên cho việc đối phó tình trạng lạm phát, đặc biệt là lương thực, trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.
Ngoài Ấn Độ, hai nguồn cung quan trọng còn lại là Thái Lan và VN với sản lượng khoảng 7 triệu tấn mỗi nước. Báo chí Thái Lan cho biết: Ngày 1.11, Bộ Thương mại Thái Lan đề xuất với Ủy ban Quản lý và Chính sách lúa gạo quốc gia một biện pháp gồm 4 điểm để ổn định giá gạo. Kế hoạch này sẽ dự trữ khoảng 14 triệu tấn lúa trong tối đa 5 tháng trước khi cung cấp ra thị trường với giá cả phù hợp. Nếu được thông qua, kế hoạch sẽ được áp dụng ngay trong vụ thu hoạch hiện nay. Bộ trưởng Thương mại Phumtham Wechayachai nói với báo chí Thái Lan hồi cuối tuần trước rằng biện pháp này đã được đưa ra sau khi lấy ý kiến và đề xuất từ tất cả các bên liên quan, trong đó có nông dân trồng lúa, nhà xay xát và nhà xuất khẩu.
Bốn bước trong kế hoạch của Thái Lan gồm: Đầu tiên, nông dân và các hợp tác xã của nông dân sẽ được yêu cầu lưu trữ lúa trong 1 - 5 tháng. Chính phủ sẽ trợ cấp cho họ 1.500 baht mỗi tấn. Lúa tồn kho sẽ được bán cho các nhà xay xát khi được giá phù hợp; thứ hai, các nhà máy hoặc doanh nghiệp sẽ được yêu cầu dự trữ khoảng 10 triệu tấn lúa trong 2 - 6 tháng, theo đó chính phủ đồng ý thanh toán lãi suất lên tới 4% cho họ trong suốt thời gian dự trữ; thứ ba, chính phủ sẽ gánh lãi suất 3,85% trong 15 tháng thay cho các cá nhân hoặc hợp tác xã để dự trữ 1 triệu tấn lúa; thứ tư là chính phủ sẽ giúp nông dân trồng lúa giảm chi phí sản xuất bằng cách cấp cho mỗi hộ gia đình khoản trợ cấp 1.000 baht/vụ/0,16 ha nhưng diện tích được hỗ trợ không vượt quá 3,2 ha mỗi hộ.
Những thông tin nói trên khiến giá gạo Thái Lan tiếp tục giảm nhẹ tương đương với gạo Pakistan, còn gạo VN tiếp tục tăng. Đây là cập nhật mới nhất từ các nguồn cung gạo lớn trên thế giới. Với những diễn biến này, đặc biệt nếu kế hoạch của Thái Lan được thông qua, sẽ càng làm nguồn cung gạo trên thế giới bị siết chặt. Còn cung ít cầu cao nhưng giá gạo Thái Lan trong một tháng qua giảm là do đồng tiền nước này mất giá khá mạnh so với USD.
Trong khi đó theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9.2023, VN đã xuất khẩu gạo đạt sản lượng 6,45 triệu tấn, vượt hơn 1 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.
Cập nhật mới nhất từ Bộ NN-PTNT cho biết tính đến cuối tháng 10, VN đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo trong 10 tháng năm 2023, đạt kim ngạch gần 4 tỉ USD, tăng 17% về lượng, tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo năm 2023, xuất khẩu gạo sẽ đạt con số kỷ lục khoảng 7,8 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng 4,2 - 4,5 tỉ USD.
Bình luận (0)