Già néo đứt dây

07/08/2015 15:19 GMT+7

(TNTS) Đã qua rồi cái thời 'cha mẹ đặt đâu con ngồi đó'. Nếu các bậc phụ huynh cứ áp đặt và can thiệp thô bạo vào chuyện tình cảm của con cái, có nguy cơ họ sẽ mất luôn đứa con mà họ hết lòng yêu thương.

Già néo đứt dâyẢnh: Shutterstock
Khi một người trẻ phát cuồng lên vì yêu thì tình yêu đó thật sự có thể làm những người lớn chung quanh phát điên.
“Chẳng biết con bé thấy thằng đó tốt ở điểm nào?”, người phụ nữ vừa khó chịu, bực bội, vừa hoang mang, bối rối. “Nó hoàn toàn chẳng giống gì những đứa bạn trai trước kia của con bé. Nó hầu như chẳng chào hỏi chúng tôi tiếng nào. Thật là một đứa thô lỗ. Gia đình thằng đó cũng chẳng buồn dạy dỗ. Vậy mà con bé lại tuyên bố rằng đó là tình yêu của đời nó và ra sức bảo vệ thằng đó!”.
Một ông bố rất khó chịu với sự lựa chọn bạn đời của con trai: “Chúng tôi vẫn luôn nhấn mạnh rằng nó phải lấy người cùng đức tin với gia đình. Vậy mà nó lại có mối quan hệ nghiêm túc với một cô gái nước ngoài. Chẳng lẽ nó không hiểu rằng làm như thế là nó đang tách khỏi gia đình và các giá trị truyền thống?”.
Các bậc bố mẹ luôn phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: giữa tình yêu đối với con cái đủ lớn để chấp nhận đối tượng yêu thương của con cái và quan niệm về giá trị sống đã chọn nên dứt khoát phản đối chuyện yêu đương của chúng.
Bố mẹ nào cũng muốn con mình sống hạnh phúc, nên thường phản đối khi cảm thấy người mà con mình yêu thương không thể mang lại hạnh phúc và an toàn cho con mình. Thế nhưng, nếu cứ buộc một đứa con đã trưởng thành phải có sự chọn lựa giữa bố mẹ và người mà nó đang yêu đến “chết đi sống lại” thì có nguy cơ đứa con sẽ đi theo tiếng gọi tình yêu.
Để bảo vệ mối quan hệ với con cái khi chúng yêu người không vừa ý, các bậc bố mẹ nên lưu ý những vấn đề sau:
Không đưa ra tối hậu thư. Tình yêu lãng mạn luôn mạnh hơn sự gắn bó với bố mẹ, chí ít là cũng trong giai đoạn đầu của một tình yêu mới. Phản đối chỉ làm cho con cái càng lún sâu vào sự chọn lựa của chúng.
Hãy một lần bày tỏ sự quan tâm một cách nghiêm túc và có suy nghĩ. Hãy gặp riêng con cái. Trình bày những điều mà các bậc bố mẹ chúng ta quan tâm một cách bình tĩnh và hợp lý. Thể hiện sự mong muốn đối với tương lai hạnh phúc của con và những lý do mà chúng ta cho rằng con cái đang sai lầm. Tái khẳng định tình yêu đối với con. Rồi lắng nghe một cách tôn trọng những ý kiến của con mình. Đừng để bản thân trở nên phòng thủ, nóng giận, hay đe dọa. Chẳng ai lắng nghe một người đang gào thét cả.
Hãy tin tưởng rằng chúng ta không nuôi dạy một đứa ngu đần. Hãy lắng nghe quan điểm của con trẻ. Dành thời gian để tìm hiểu về người yêu của chúng, xem cô ấy, hay anh ấy quan tâm đến điều gì, đánh giá thế nào về mối quan hệ và có kế hoạch gì cho tương lai.
Tìm điểm đáng yêu, khâm phục. Có thể đến cuối cùng các bậc bố mẹ vẫn không thể thương được người yêu của con mình, thế nhưng nếu cố gắng, chúng ta vẫn có thể tìm được những điểm đáng... khâm phục. Mà nếu không có đi chăng nữa, thì việc đối tượng của con có thể chịu đựng được sự phản đối của cả gia đình người yêu cũng đáng để nể đấy chứ !
Biết điểm dừng của tranh luận. Hãy để con cái biết rằng chúng ta mong muốn nó nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của bạn nhưng đồng thời chúng ta cũng sẽ nỗ lực để hiểu và đón nhận người mà nó yêu.
Điều quan trọng nhất, các bậc bố mẹ phải dựa vào tình yêu thương con cái khi đưa ra quyết định phản đối hay chấp nhận tình yêu của con mình, tránh rơi vào tình huống già néo đứt dây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.