Sau nhiều bức xúc của dư luận về việc giá sách giáo khoa mới cao hơn 2 - 3 lần so với sách hiện hành, chiều 26.5, Bộ GD-ĐT đã có thông tin gửi tới báo chí, cho biết: "Bộ GD-ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định".
Giá sách giáo khoa mới đắt gấp 2 - 3 lần khiến người dân bức xúc |
NGỌC DƯƠNG |
Cũng theo Bộ GD-ĐT, hiện nay, Bộ Tài chính đang rà soát tổng thể quá trình triển khai, thực hiện luật Giá, trong đó sẽ tiếp tục đánh giá, báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá.
Bộ GD-ĐT cũng nhắc lại Nghị quyết 88 của Quốc hội ban hành ngày 28.11.2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó quy định: "thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học"; "khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông”.
Sách giáo khoa tăng giá |
Theo điều 5 luật Xuất bản, có 7 nhà xuất bản đăng ký bổ sung chức năng xuất bản sách giáo khoa, trong đó có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Với việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, các doanh nghiệp (nhà xuất bản) khác nhau sẽ được tham gia in ấn, phát hành… đồng thời, cơ chế tài chính của bộ sách mới và bộ sách hiện hành khác nhau, các nhà xuất bản tự bỏ tiền chi cho khâu biên soạn sách nên giá sách chịu các yếu tố tác động của thị trường, giống các sản phẩm khác của thị trường.
Theo quy định của luật Giá, giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (nhà xuất bản) tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường; đồng thời, thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ thông tin về giá sách.
Bộ GD- ĐT đã đề nghị các nhà xuất bản kê khai giá sách giáo khoa; rà soát tiết giảm tối đa chi phí sản xuất để giảm giá sách giáo khoa; phối hợp với các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cung cấp sách giáo khoa cho học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hỗ trợ thư viện trường học để có đủ sách giáo khoa…
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận: “Cơ chế kê khai giá như hiện nay sẽ có thể dẫn đến hiện tượng mức giá cao, thấp khác nhau tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh, trong khi đó sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn”.
Đó cũng là lý do Bộ GD-ĐT cho rằng “nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá sách giáo khoa”.
Chuyên gia đề xuất chỉ nên xã hội hóa từng phần
Trước đó, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, PGS - TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), cho rằng xu hướng thế giới và Việt Nam chắc chắn cũng như vậy. Chúng ta phải xác định học sinh phổ thông là đối tượng cần được bảo trợ. Các quốc gia đều có chính sách hỗ trợ về sách giáo khoa, nơi thì cấp tiền, nơi thì cho mượn sách giáo khoa…
Riêng Việt Nam, theo ông Long, nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này với nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ. Do vậy, sách giáo khoa là mặt hàng mà nhà nước đặc biệt phải quan tâm, khi đại bộ phận người dân vẫn chưa có thu nhập cao, người dân ở khu vực nông thôn, miền núi còn rất khó khăn, việc tăng giá sách giáo khoa gấp 2 - 3 lần cũng như tăng số đầu sách bắt buộc như hiện nay thực sự là gánh nặng với họ.
PGS Ngô Trí Long cũng cho rằng, khi xã hội hóa sách giáo khoa thì đương nhiên có sự cạnh tranh. Các nhà xuất bản sẽ huy động được đội ngũ viết sách tốt nhất, sách được in ấn đẹp, bắt mắt nhất, thêm vào đó chi phí truyền thông, quảng bá, phát hành… dẫn đến đội giá.
“Tôi không nói chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa là sai, nhưng theo tôi do sách giáo khoa là mặt hàng đặc thù thì chúng ta chỉ nên xã hội hóa ở từng khâu. Nhà nước sẽ bao cấp, hỗ trợ khâu nào đó để đảm bảo giá sách giáo khoa phù hợp đối với mọi gia đình, chứ không phải xã hội hóa ở tất cả các khâu để ra được một cuốn sách giáo khoa như hiện nay”, ông Long đề xuất.
Bình luận (0)