Giá sách giáo khoa mới cao đột biến nhưng 'tuổi thọ' bấp bênh

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
05/05/2022 10:00 GMT+7

Việc vận hành xã hội hóa với nhiều bộ sách giáo khoa như cách làm hiện nay chưa thấy hiệu quả nổi trội, nhưng điều hiện hữu là người dân lại đang chịu gánh nặng về chi phí và bất ổn “tuổi thọ” của mỗi bộ sách.

Lãng phí khi những bộ SGK chỉ dùng được 1 lần

Bộ sách giáo khoa (SGK) hiện hành giá thấp hơn nhiều so với sách mới mà người dân còn yên tâm vì chỉ có 1 bộ nên mua cho anh chị, năm sau vẫn có thể tái sử dụng cho các em. Nhưng SGK mới với nhiều bộ, việc lựa chọn theo từng năm cũng như tính ổn định của chính mỗi bộ theo từng năm học không lấy gì đảm bảo khiến người dân lo ngại sẽ lãng phí rất lớn vì học xong là bỏ nguyên bộ sách.

Còn nhớ, năm 2020, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 4 bộ SGK lớp 1 nhưng đến lớp 2 chỉ còn 2 bộ. Thời điểm đó, nhiều ý kiến lo lắng về việc xáo trộn ở các trường tiểu học đang dạy 2 bộ bị xóa tên. Trong 2 bộ lớp 1 không còn tên khi lên lớp 2, thì bộ sách Cùng học để phát triển năng lực cũng chiếm hơn 14% thị phần trong tổng số 5 bộ lớp 1 được Bộ trưởng GD-ĐT phê duyệt, một số cuốn chiếm tới 40% thị phần; có tới 53/63 tỉnh, thành trên cả nước có trường tiểu học chọn bộ lớp 1 này để giảng dạy.

Tuy nhiên, khi 2 bộ sách này không còn tên trong các bộ sách lớp 2 nữa thì nhiều địa phương, nhà trường đã chọn lại SGK lớp 1 để tránh trường hợp lớp 1 học sách này nhưng lớp 2 lại phải chuyển sang tên sách khác, gây tâm lý bất an cho học sinh (HS). Thực tế, tìm hiểu của PV Thanh Niên cho thấy, 2 bộ sách Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục lớp 1 dù chưa đến mức “khai tử” nhưng đến thời điểm này số lượng phát hành đã giảm hẳn, rất ít địa phương chọn. Lãng phí tiền của, công sức không hề nhỏ. Những phụ huynh, nhà trường đã mua SGK này không thể sử dụng cho năm học sau nữa. Giá của bộ sách Cùng học để phát triển năng lực (10 cuốn) 194.000 đồng và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (9 cuốn) 189.000 đồng.

Năm 2020, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 4 bộ SGK lớp 1 nhưng đến lớp 2 chỉ còn 2 bộ

ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhiều phụ huynh ở Bắc Ninh phản ánh năm 2019, khi con vào lớp 1, trường chọn SGK của bộ Cùng học để phát triển năng lực, nhưng năm sau thì bộ sách này “biến mất” không có sách lớp 2 nữa. Do vậy, nhà trường cũng chọn lại bộ sách khác cho HS lớp 1. Điều này đồng nghĩa với việc một loạt bộ sách hàng trăm nghìn đồng vẫn mới tinh nhưng phải bán đồng nát vì có muốn để cho các em học cũng không được nữa.

Đó là những bộ sách “biến mất”, nhưng kể cả những bộ sách vẫn đang lưu hành tuần tự theo từng năm thì việc đưa vào sử dụng mới thấy chất lượng SGK không đảm bảo, quá nhiều “sạn” khiến năm sau phải chọn lại sách khác cũng đẩy phụ huynh vào thế bị động nếu địa phương thay đổi, chọn SGK khác. Điều này khiến các trường chỉ có thể dùng SGK đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt. Hoặc địa phương chọn vài bộ và để các trường tự quyết định chọn 1 bộ dạy cho HS cũng xảy ra tình huống năm nay hiệu trưởng cũ chọn bộ này nhưng sang năm hiệu trưởng mới lên thay lại quyết định chọn bộ khác.

Nếu Bộ đứng ra biên soạn được bộ SGK thì chắc chắn giá sẽ không tăng vọt như hiện nay, người dân còn khó khăn sẽ có cơ hội lựa chọn bộ sách phù hợp với khả năng chi trả.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính)

Thực tế xảy ra qua 3 năm thực hiện SGK mới đã cho thấy rõ ràng phụ huynh là người bỏ tiền túi ra mua sách cho con học nhưng lại không được quyết định chọn bộ sách nào và cũng không biết “tuổi thọ” của bộ sách ấy là bao lâu. Mong muốn chính đáng của người dân và cũng chính là người phải bỏ tiền ra mua SGK cho con học hằng năm, đó là phải ổn định, lâu dài. Về mặt tâm lý, không phụ huynh nào muốn lớp dưới con học bộ này, nhưng lớp trên lại học bộ khác; xã hội đang bị lãng phí rất lớn vì học xong là bỏ nguyên bộ sách khi việc lựa chọn phụ thuộc một số ít người trong hội đồng chọn do UBND cấp tỉnh thành lập.

Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, tuy chưa có văn bản nào quy định HS và các trường phải dạy học đủ một cấp học cùng một bộ nhưng rõ ràng việc biên soạn, thẩm định, lựa chọn cần phải vô cùng chặt chẽ, tính đến việc làm sao để HS cùng một cấp học được dạy học thống nhất theo cùng bộ để đảm bảo sự giống nhau về cách tiếp cận khoa học và giảm lãng phí khi mua nhiều bộ khác nhau.

Vẫn cần SGK do bộ GD-ĐT biên soạn ?

Để tránh trường hợp lựa chọn SGK thay đổi từng năm dẫn tới lãng phí khi chỉ dùng được 1 lần, theo ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, việc đánh giá bộ SGK sẽ có 2 mặt: Mặt khoa học do hội đồng thẩm định quyết định và mặt xem xét sự ưng ý do giáo viên trực tiếp đang giảng dạy quyết định. Hai mặt cơ bản này chắc chắn không tương đồng với nhau. Người giảng dạy đa phần chọn những bộ sách nào thấy quen, dễ hiểu, dễ làm, có lẽ giúp hoạt động nghề của mình ít bị xáo trộn. Các giáo viên đa phần không chú ý hoặc ít có khả năng đánh giá nhiều về điểm mới trong phương pháp. Phải chăng, hội đồng thẩm định nắm rõ nhất khía cạnh này, rất cần lên tiếng. Hoặc, Bộ GD-ĐT cần công bố đánh giá của hội đồng thẩm định với từng cuốn sách.

“Phải chăng qua những gì đang diễn ra với việc biên soạn SGK, Bộ GD-ĐT nên quay trở lại tiếp tục thực hiện cho được Nghị quyết của Quốc hội, đó là: Bộ GD-ĐT chủ trì việc thực hiện biên soạn một bộ SGK?”, ông Đặng Tự Ân nêu vấn đề.

Ông Đặng Tự Ân cho rằng theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức bản thảo để làm riêng một bộ sách, tạm gọi đây là bộ sách công, nhằm chủ động đảm bảo thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục và làm chỗ dựa cho các nhà trường, khi giữa ngã ba đường không biết chọn bộ SGK tư nào cho HS trường mình. Tuy nhiên, do chưa tính xa, Bộ GD-ĐT khi làm xong chương trình giáo dục phổ thông mới khởi động, tập hợp tác giả làm sách. Lúc ấy đã muộn, là thời điểm “hoàng hôn”, trong khi các bộ SGK khác đã triển khai từ rất sớm, khi cùng với “bình minh” của chương trình giáo dục phổ thông mới và môn học vừa bắt đầu.

Đồng quan điểm, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), chia sẻ với PV Thanh Niên về việc làm thế nào để giá SGK mới không quá cao so với sách hiện hành, cũng đề cập đến việc Nghị quyết của Quốc hội đã giao Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn một bộ SGK với kinh phí vay của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, sau đó Bộ GD-ĐT đã “xin trả lại” khoản này với lý do không huy động được tác giả biên soạn. Theo PGS Long, đây là điều rất đáng tiếc và cho rằng: “Nếu Bộ đứng ra biên soạn được bộ SGK thì chắc chắn giá sẽ không tăng vọt như hiện nay, người dân còn khó khăn sẽ có cơ hội lựa chọn bộ sách phù hợp với khả năng chi trả. Bộ GD-ĐT nắm trong tay đội ngũ chuyên gia từ trường ĐH, viện nghiên cứu đến các cơ sở giáo dục phổ thông mà không tổ chức biên soạn được bộ SGK phổ thông thì cần đặt vấn đề về năng lực tổ chức, năng lực quản lý của mình”. (còn tiếp)

Một số cách để giảm giá sách giáo khoa

Dù xã hội hóa biên soạn SGK thì vẫn có một số cách để giảm giá. Xây dựng bản thảo, in và phát hành là 3 công đoạn chính để một cuốn sách được hoàn thiện. Với công đoạn in, SGK nếu được đấu thầu rộng rãi, kể cả đấu thầu cạnh tranh quốc tế, giá sẽ giảm đáng kể.

Số trang trong sách cũng là yếu tố tham gia vào giá sách. Tại sao không quy định số trang tối đa cho một cuốn? Tránh tình trạng cùng môn học SGK lại có độ dày mỏng quá khác nhau, khiến giá cũng khác. Sau khi thẩm định vòng 1, hoàn toàn có cơ sở quy định được số trang tối đa cho một cuốn sách ở mỗi môn học. Ngoài ra, khi quy định số trang sẽ giúp nội dung sách viết cô đọng hơn, buộc giáo viên phải động não và tạo điều kiện cho họ được sáng tạo trong quá trình soạn giảng. Giải pháp nữa là giảm số đầu sách bắt buộc trong danh mục SGK.

Đặng Tự Ân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.