Gia sư cũng bất ngờ với hai bài văn 'sinh đôi'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
08/11/2024 16:43 GMT+7

Gia sư dạy kèm 2 học sinh lớp 5, sau khi giao viết bài văn tả cảnh đẹp, gia sư bất ngờ khi nhận hai bài văn 'sinh đôi'.

"Hai bạn cũng là hai chị em sinh đôi. Và viết hai bài văn như "sinh đôi" luôn. Hai bài miêu tả cảnh biển Phú Quốc gần như y chang nhau từ ý tưởng, cách viết mở bài, thân bài, kết bài rồi sử dụng từ ngữ, hình ảnh. Tôi hỏi hai bạn ấy lý do. Các bạn ấy đành nói thật là đã lên Google và có sử dụng cả công cụ Chat GPT hỗ trợ", Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên năm 2, ngành sư phạm tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đang là gia sư cho học sinh tiểu học chia sẻ với PV Thanh Niên Online sáng nay, 8.11.

Không thể sao chép từ Chat GPT sang bài văn của mình

Câu chuyện Phương Thảo dẫn ra, như một ví dụ không xa lạ trong đời sống học đường hiện nay. Công nghệ hỗ trợ nhiều cho sự học tập của học sinh, tuy nhiên nếu lạm dụng nó, đây sẽ là "con dao hai lưỡi" khiến học sinh mất dần khả năng tư duy, suy nghĩ, không còn sự sáng tạo.

Gia sư cũng bất ngờ với hai bài văn 'sinh đôi'- Ảnh 1.

Học sinh tiểu học tại TP.HCM

ẢNH MINH HỌA: THÚY HẰNG

Phương Thảo cho biết là một gia sư, cô khuyên các học sinh có thể coi Google, Chat GPT như một công cụ tham khảo, tuy nhiên không phải là sao chép từ ý tưởng, câu từ, diễn đạt trong các phần bài giải trên đó để trở thành của mình.

"Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hiện rất 'mở', ví dụ ở phần viết văn, các bạn lớp 4, lớp 5 được viết theo năng lực, theo sự cảm thụ của cá nhân mỗi bạn. Các thầy cô giáo đều rất mong nhận được những bài văn là sự sáng tạo riêng của mỗi bạn, có thể câu từ còn ngây ngô một chút, bố cục chưa chặt chẽ, nhưng nó phải là của riêng các em học sinh chứ không phải rập khuôn, bài nào cũng na ná giống nhau", nữ sinh viên ngành sư phạm tiểu học cho biết.

Sáng nay, 8.11, Công ty gia sư eTeacher tổ chức buổi gặp mặt gia sư năm 2024. Sự kiện thường niên này được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11, vinh danh những gia sư triển vọng, truyền cảm hứng, có nhiều đóng góp, giúp học sinh có nhiều thay đổi tích cực.

Gia sư cũng bất ngờ với hai bài văn 'sinh đôi'- Ảnh 2.

Mỗi gia sư cũng đều phải nỗ lực trong sự phát triển của công nghệ

ẢNH: THÚY HẰNG

Gia sư cũng bất ngờ với hai bài văn 'sinh đôi'- Ảnh 3.

Các gia sư chia sẻ hành trình làm việc của mình

ẢNH: THÚY HẰNG

Tại đây, nhiều gia sư chia sẻ các kinh nghiệm, vui buồn trong quá trình đi dạy. Như gia sư Mạc Thị Thu Trang, hiện đang là sinh viên năm 2, ngành sư phạm tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trước khi là một người thầy dạy kèm tại nhà cho các bạn học sinh, cô trò chuyện, trao đổi với học sinh để bạn cảm thấy thoải mái hơn. Sau đó, khi biết học sinh đang hổng kiến thức nào, gia sư sẽ dễ kèm cặp, giúp các bạn "đuổi kịp" kiến thức trên lớp.

Hay gia sư Mai Thị Song Uyên, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT), đã có 4 năm là gia sư và giành giải thưởng gia sư truyền cảm hứng 2024 cho biết hành trình đi dạy cho bạn vô vàn trải nghiệm. Mỗi học trò là mỗi câu chuyện, gia sư không chỉ là người hỗ trợ thêm kiến thức, mà ở một góc độ nào đó, còn là những người bạn, cho các học sinh những lời khuyên trong những thời điểm quan trọng.

Gia sư cũng bất ngờ với hai bài văn 'sinh đôi'- Ảnh 4.

Nhiều gia sư được khen thưởng trong sự kiện tôn vinh gia sư 2024

ẢNH: THÚY HẰNG

Đóng góp nhỏ cho sự thay đổi lớn

Anh Nguyễn Ngọc Huy Sang, từng là một gia sư, đồng sáng lập eTeacher, cho biết với nhiều sinh viên, gia sư có thể chỉ là một công việc làm thêm trong 4-5 năm học tập đại học, để có thêm thu nhập và trải nghiệm. Nhưng có thể, bằng chính những kiến thức, sự chân thành, phương pháp sư phạm hiệu quả của các gia sư có thể tạo nên những sự thay đổi lớn lao, là bước ngoặt trong cuộc đời nhiều học sinh.

Gia sư cũng cần "chuyển mình" trong thời công nghệ. Với Phương Thảo, khi mà công nghệ phát triển không ngừng, mỗi sinh viên ngành sư phạm tiểu học như cô cũng phải nỗ lực để mình không tụt hậu. Song theo Phương Thảo, dù trong thời đại số, năng lực sư phạm của người thầy, vai trò người thầy trò chuyện, đồng hành, truyền cảm hứng để người học thấu hiểu và tìm ra "con đường của mình" sẽ không bao giờ bị thay thế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.