Giã từ văn mẫu được không?: ‘Cả lớp 30, 40 em đều nuôi chó, mèo trên giấy’

Thúy Hằng
Thúy Hằng
30/12/2022 08:15 GMT+7

Cả lớp đã quen với kiểu văn mẫu như 'nhà em có nuôi một con chó', 'chuyến đi Đà Lạt vừa rồi, bố em có mua tặng cho em một con mèo'...

Những mở bài này đã trở thành 'kinh điển' trong các bài văn miêu tả của học sinh tiểu học. Trong hàng loạt cuốn văn mẫu đang bán ở các hiệu sách, đây cũng là văn phong quen thuộc.

Sách văn mẫu cho học sinh tiểu học bán rất nhiều ở các nhà sách
thúy hằng

Mới đây trước đợt kiểm tra cuối kỳ 1 năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TP.HCM ra văn bản yêu cầu nhà trường tuyệt đối không chạy theo thành tích mà gây áp lực, tạo không khí căng thẳng, nặng nề cho giáo viên, học sinh và gia đình các em. Việc tổ chức ôn tập phải được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với học sinh học 2 buổi/ngày. Không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc học sinh làm, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu. Ngoài ra, giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách tự học, ôn tập…

Trong thực tế, nhiều phụ huynh, giáo viên cho hay tư duy làm văn theo bài mẫu, hay viết những “bài văn đồng phục” đã trở thành thói quen của không ít học trò.

Những bài văn đồng phục

Thầy Thái Hoàng, giáo viên ngữ văn và giảng dạy kỹ năng sống Trường THCS - THPT Bác Ái, Q.Tân Bình, TP. HCM, cho biết là một người cha, một người thầy giáo dạy ngữ văn, anh không chấp nhận những bài văn na ná nhau, giông giống nhau như đồng phục. Khi thấy con của mình cần đề cương văn mẫu là đoạn văn, bài văn, anh đều dạy con viết khác bài “đồng phục” và nói với con chấp nhận điểm thấp hơn.

“Cả lớp đã quen với kiểu văn mẫu như 'nhà em có nuôi một con chó', 'chuyến đi Đà Lạt vừa rồi, bố em có mua tặng cho em một con mèo'. Đọc những bài văn cùng một kiểu như nhau, thứ văn đó khiến tôi cảm thấy buồn khi bệnh thành tích đang đánh mất sự sáng tạo và chân thực của học trò”, thầy Thái Hoàng cho biết.

Học sinh trong một hoạt động học văn trải nghiệm từ thực tế
t.l

Thầy Thái Hoàng kể thêm 2 câu chuyện về người bạn anh dạy con làm văn.

Câu chuyện thứ nhất, lúc con anh này học lớp 4. Một buổi tối đọc được bài con miêu tả người thân, thấy nhiều ý “kỳ kỳ”, thiếu thực tế, anh kia liền nói: “Con sửa lại đoạn văn này. Viết như vậy thì hay thật đấy nhưng thực tế không như vậy. Viết thế là không đúng”. Cô con gái cho hay: “Con không sửa lại đâu. Cô dạy chúng con viết như thế. Sửa lại không đúng ý cô sẽ bị trừ điểm”.

Câu chuyện thứ hai, khi cô bé đã học lớp 5, một lần cô giáo ra đề viết viết về người bố thì bé lại xin cô viết về mẹ. Bởi lý do anh luôn hướng con mình viết văn bằng cảm nhận thực sự của đứa trẻ chứ không phải văn mẫu của người lớn để đạt điểm cao. Nếu bé viết về anh, cháu sẽ viết đúng sự thật, công việc nhiều áp lực nên anh hay nóng nảy với các con. Cháu sợ bị cô giáo đọc bài lên cả lớp sẽ cười. Còn nếu viết dối, viết hay mà lại không đúng sự thật thì bị bố la. Cuối cùng cô cũng đồng ý “đặc cách” để cháu viết về mẹ.

“Thực tế trong quá trình dạy học ở trường, dạy các con, các cháu làm văn, tôi thấy rằng 'những bài văn đồng phục' sáo rỗng đang lấn lướt những bài văn còn ngây thơ, dẫu còn vụng về mà mang giá trị thực của cuộc sống. Cứ làm theo văn mẫu là đạt điểm cao, dẫu thầy cô, cha mẹ biết đó là văn dối. Thậm chí 'ươm mầm' văn dối miễn đạt được điểm cao”, thầy Thái Hoàng nói.

“Nhiều thế hệ học sinh chán học văn cũng vì lối học vẹt, học thuộc văn mẫu. Và không ít cô cậu học trò ám ảnh khi phải học thuộc nhiều bài văn để đạt điểm cao. Buồn thay, gia đình của cả lớp 30, 40 học trò đều nuôi chó, nuôi mèo… trên giấy. Buồn thay, khi miêu tả về người bà kính yêu thì phải là già, lưng còng, da nhăn nheo, bước đi chậm chạp… Nếu miêu tả còn trẻ khỏe, da hồng hào, bước đi nhanh nhẹn (vì bà còn trẻ khỏe) thì trở thành bài văn… có vấn đề, dẫu miêu tả rất chân thực”, thầy Thái Hoàng thẳng thắn.

Hậu quả tai hại của văn mẫu

Nguyễn Hữu Hưng, thủ khoa khối C toàn quốc năm 2020 với 29,25 điểm, sinh viên ngành Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho hay hiện tượng "văn mẫu hóa" ảnh hưởng không chỉ ở thời điểm các bạn học sinh đọc và viết theo, cho “ra lò” mười bài văn như một. Việc ảnh hưởng này còn về lâu dài, như một sự định hướng tư duy và năng lực sáng tạo của người học.

Nghĩa là, trước mắt, các bạn học sinh tiểu học hoặc ngay cả THCS, THPT, sẽ không phải động não nhiều để làm bài mà chỉ dựa trên những ý tưởng có sẵn, nhưng dần dần sức sáng tạo cũng vì thế bị thui chột.

Các học sinh vừa mất năng lực tư duy để giải quyết vấn đề, vừa bị bào mòn cái gọi là rađa cảm xúc, gặp một vấn đề gì đều không thể nói lên bằng cảm nghĩ, tình cảm của mình mà luôn nhờ vào sự định hướng…

“Việc dùng văn mẫu cũng như ăn một cỗ bàn được dọn ra sẵn vậy. Dễ dàng, thuận tiện, được lần một sẽ muốn tiếp lần hai... Hậu quả từ việc dùng văn mẫu từ thuở còn đi học, về lâu dài, sẽ định hình luôn cả lối tư duy và cảm nhận cuộc sống của những người lớn từng là trẻ con. Vì văn học lấy chất liệu từ cuộc sống, gắn chặt với cuộc sống. Nên, nếu các phụ huynh cứ bàng quan cho rằng con trẻ cứ vô tư học văn mẫu, khi nào lớn sẽ hình thành được nếp nghĩ, nếp cảm tự do, nghĩa là đã tách văn học ra khỏi cuộc sống thì thật là sai lầm”, nam sinh viên ngành Văn học, cũng đang là gia sư ngữ văn cho biết.

Giã từ văn mẫu, cách nào?

Sách văn mẫu và những bài văn mẫu bán khắp các nhà sách ở TP.HCM
thúy hằng

Có mặt tại nhiều nhà sách ở TP.HCM, phóng viên vẫn ghi nhận đủ các loại sách văn mẫu, sách những bài văn hay, sách những bài văn kể chuyện hay cho học sinh từ bậc tiểu học được bày bán phong phú.

Những bài viết rất chỉn chu, văn phong đĩnh đạc, khó tìm được nét hồn nhiên của độ tuổi học sinh tiểu học. Đáng chú ý, những motip quen thuộc trong các bài văn này là mẹ (hoặc cô giáo) luôn mặt hình trái xoan, tóc dài đen mượt, tính cách dịu dàng; em sẽ cố gắng dành thật nhiều điểm 9, 10 để tặng mẹ (hoặc cô giáo). Còn bà ngoại thì luôn luôn là tóc bạc, lưng còng, da đồi mồi, kể chuyện cổ tích cho các cháu rất hay…

Thầy Thái Hoàng cho rằng để dạy học sinh nói nói không với văn mẫu, giã từ những “bài văn đồng phục” cần từ chính phụ huynh, giáo viên và cần làm từ độ tuổi tiểu học. Người thầy chấp nhận những bài văn thật sự của các em, có thể điểm chưa cao, nhưng điều mà người thầy nhận được chính là sự thích thú học văn và học trò nhận thức được văn chương không xa rời thực tế.

Thủ khoa khối C Nguyễn Hữu Hưng cho rằng thầy cô hay cha mẹ vẫn có thể hướng dẫn con em mình học khung sườn, cách triển khai bài viết, không nên bê nguyên si ý của người khác vào bài mình. Và người lớn hãy tôn trọng sự sáng tạo của trẻ em.

Thầy Thái Hoàng cho hay từ cương vị người làm cha mẹ, muốn dạy con sống trung thực, sống tử tế, ngay từ lúc con còn nhỏ, mọi người cần dạy con những bài học ấy bằng những việc làm thực tế mỗi ngày, bắt đầu từ việc viết một đoạn văn, một bài văn.

“Đối với môn văn, sự trung thực càng đáng trân trọng, vì “văn học là nhân học”. Hãy thoát khỏi văn dối, văn ảo. Dạy con trẻ sống tốt, sống đẹp, sống tử tế, tránh lối sống ảo, giá trị ảo từ văn mẫu, văn ảo. Thứ văn ảo này rất nguy hiểm, sự học dối - viết dối từ trường học sẽ dẫn đến làm dối - thực hành dối trong trường đời”, thầy giáo ngữ văn tại TP.HCM nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.